Trong 8 phiên giao dịch vừa qua, giá liên tục giảm. Thép cây kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa Tương lai Thượng Hải kết thúc phiên 31/8/2018 ở mức 4.086 CNY (598 USD)/tấn, mất tới 7,5% so với mức cao kỷ lục 7 năm là 4.418 CNY/tấn của ngày 22/8/2018. 
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của ngành thép Trung Quốc tháng 8/2018 giảm so với mức 54,8 điểm của tháng 7/2018, chỉ còn 53,4 điểm. 
Giá giảm gần đây do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại nóng lên, đúng lúc lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Trung Quốc vẫn còn rất cao trong khi triển vọng tăng trưởng nhu cầu ở thị trường cung cấp một nửa sản lượng thép toàn cầu này sẽ chậm lại. 
Cho tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp thuế bổ sung lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và đang chuẩn bị mở rộng danh mục thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa nữa. 
Đơn đặt hàng xuất khẩu thép đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ đang bắt đầu có tác động tiêu cực. Nhà sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc, Baoshan Iron & Steel dự kiến sẽ giảm xuất khẩu sang Mỹ trong nửa cuối năm nay, nhưng sẽ giữ tổng xuất khẩu ổn định, một giám đốc điều hành công ty cho biết. 
Liên tục đi lên từ tháng 3/2018, giá thép tại Trung Quốc đã tăng khoảng 29% kể từ cuối năm 2017 tới 22/8/2018 do Chính phủ nước này cắt giảm công suất sản xuất trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường. Trong chiến dịch này, những cơ sở sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả buộc phải ngừng sản xuất, một số trung tâm sản xuất thép cũng phải cắt giảm công suất trong những mùa ô nhiễm cao điểm. 
Lợi nhuận tăng tạo điều kiện cho các nhà máy thép nâng cao hiệu quả bằng việc tăng cường sử dụng các loại quặng chất lượng tốt hơn, giảm tổn thất than đá luyện cốc trên mỗi đơn vị thép sản phẩm, và nâng sản lượng trên mỗi đơn vị nguyên liệu. 
Kết quả là sản lượng thép liên tiếp tăng trong 4 tháng tính tới tháng 7/2018, đạt mức cao kỷ lục 81,24 triệu tấn. 
Sản lượng trong 7 tháng đầu năm 2018 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 532,85 triệu tấn, và lợi nhuận ròng cũng đạt khoảng 1.100 CNT/tấn, theo số liệu của Sàn giao dịch Huatai (Trung Quốc). 
Mặc dù về mặt logic thì dự báo các nhà máy thép sẽ tối đa hóa sản lượng khi lợi nhuận ở mức cao, song thực tế đã xuất hiện nhiều rủi ro, ngăn cản đà tăng giá trên thị trường thép. 
Các lĩnh vực tiêu thụ nhiều thép, đặc biệt là xây dựng, có vẻ vẫn đang hoạt động tốt, nhưng cũng không đủ mạnh để hấp thụ hết nguồn cung khi sản lượng tăng tới 6,3%. Các lĩnh vực khác như sản xuất hàng hóa thiết bị hay sản xuất ô tô cũng tương tự. Tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1990. Doanh số bán lẻ cũng chậm lại và thấp hơn kỳ vọng của thị trường. 
Còn xuất khẩu các sản phẩm thép có xu hướng giảm trong năm nay, trong đó xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 giảm 13,6% xuống 41,3 triệu tấn. 
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, và nhiều quốc gia khác áp thuế lên thép Trung Quốc, có nghĩa là tăng trưởng của ngành này có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. 
Trong khi đó, theo thống kê của SteelHome, lượng tồn trữ thép tại các kho tương đối ổn định trong những tuần gần đây. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tồn trữ hiện thấp hơn nhiều (tồn trữ thép cây ở tuần tới 24/8/2018 là 4,12 triệu tấn, chỉ bằng một nửa so với mức cao điểm vào đầu tháng 3/2018.
Bước ngoặt của ngành sắt thép? 
Trong khi ngày càng thêm lo ngại về sự "nguội lạnh" của nền kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm 2018, những rủi ro kể trên có nguy cơ sắp làm kết thúc giai đoạn tăng trưởng của ngành thép nước này. Điều đó cũng sẽ có ảnh hưởng tới thị trường quặng sắt – nơi giá tương đối ổn định suốt 5 tháng qua. 
Theo số liệu của Argus Media, quặng sắt hàm lượng 62% giao tại cảng Tần Hoàng Đảo (Trung Quốc) (tham chiếu cho thị trường châu Á) – ngày 29/8/2018 ở mức 65,35 USD/tấn. Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2018, nguyên liệu sản xuất thép này đã giảm 11,7% giá trị, mặc dù loại quặng chất lượng tốt hơn có kết quả khác (quặng hàm lượng 65% ngày 29/8/2018 giá 94,4 USD/tấn, tăng 3% so với đầu năm 2018).
Quặng sắt hàm lượng thấp còn giảm nhiều hơn nữa, phá vỡ cả mức sàn. Theo CuSteel, loại 58% sắt nhập từ Ấn Độ giá chỉ 245 CNY (35,90 USD)/tấn, tức là giảm 12,5% trong 8 tháng đầu năm 2018. 
Sở dĩ quặng chất lượng cao giá không những không giảm mà còn tăng là bởi các nhà máy thép Trung Quốc chuyển hướng tăng cường sử dụng những loại nguyên liệu chất lượng tốt hơn để tối đa hóa sản lượng và giảm khí thải. 
Nhưng những loại quặng chất lượng thấp vẫn đang được nhập khẩu vào Trung Quốc với khối lượng lớn. Số liệu của Vessel cho thấy, Australia – cung cấp chủ yếu là các loại quặng 62% sắt và loại 58% sắt – đã nâng tỷ trọng trong tổng nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc lên 67,4% trong 8 tháng đầu năm 2018, so với chỉ 66,1% cùng kỳ năm 2017. 
Trái lại, các nhà cung cấp quặng chất lượng cao như Brazil và Nam Phi lại bị giảm thị phần, trong đó Brazil giảm từ 21,2% xuống 19,5%, còn NamPhi từ 3,6% còn 3,3%.

Nguồn: Vân Chi/CafeF, Trí thức trẻ, Reuters