Trong một báo cáo gần đây, Rystad dự báo đà tăng của sản lượng dầu đá phiến có thể cho phép Mỹ vượt mặt cả Nga và Ả-rập Xê-út để trở thành quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu trên thế giới. Kể từ năm 1975, Mỹ chưa lần nào vượt mặt được Nga và Ả-rập Xê-út.
“Thị trường đã thay đổi hoàn toàn vì khả năng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ”, Nadia Martin Wiggen, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường của Rystad, cho hay.
Dự báo của Rystad cho thấy cách thức cuộc cách mạng fracking sẽ biến Mỹ trở thành một cường quốc năng lượng – một bước chuyển biến mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết đẩy nhanh bằng cách nới lỏng quy định. Sự chuyển biến trong dài hạn này sẽ góp phần giúp Mỹ ít phụ thuộc hơn vào nguồn dầu nước ngoài, bao gồm cả nguồn dầu đến từ khu vực Trung Đông.

“Fracking” hay nói cách khác là dùng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy, hoặc bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá.

Sản lượng dầu Mỹ tụt dốc (nhưng không hoàn toàn sụp đổ) sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – dẫn đầu là Ả-rập Xê-út – khởi xướng cuộc chiến giá dầu hồi cuối năm 2015 với mục đích giành lại lượng thị phần đã đánh mất vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến và các nhà sản xuất khác. Cuộc chiến trên đã dẫn tới tình trạng dư cung khổng lồ trên toàn cầu và khiến giá dầu tụt dốc từ mức 100 USD/thùng xuống mức đáy là 26 USD/thùng.
Giá dầu rẻ đã buộc các công ty dầu đá phiến ở Texas, Bắc Dakota và những nơi khác phải giảm bớt sản xuất. Sản lượng dầu nội địa chạm đáy ở mức 8.55 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2016, giảm 11% so với mức đỉnh được thiết lập trong tháng 4/2015, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy.
Tuy nhiên, ngành dầu ở Mỹ đã phục hồi đáng kể trong năm ngoái nhờ giá dầu ngày càng cao và việc áp dụng công nghệ mới làm giảm bớt chi phí khai thác dầu.
Gần đây, EIA dự báo rằng sản lượng dầu thô Mỹ sẽ nhảy vọt lên mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, vượt qua mức kỷ lục hàng năm trước đó là 9.6 triệu thùng/ngày – vốn được thiết lập trong năm 1970.
Rystad Energy thậm chí còn lạc quan hơn cả EIA về sản lượng dầu thô của Mỹ. Công ty này dự báo sản lượng dầu thô Mỹ có thể chạm mức 11 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2018, vượt mặt cả Nga và Ả-rập Xê-út.
Trong khi đó, các chuyên gia khác lại tỏ ra nghi ngờ về điều này. Byron Wien – Phó Chủ tịch Blackstone – dự báo rằng sản lượng dầu đá phiến sẽ gây thất vọng trong năm 2018, qua đó nhấc bổng giá dầu thô vượt mức 80 USD/thùng.
Hôm thứ Tư, giá dầu thô đã vượt ngưỡng 61 USD/thùng lần đầu tiên trong 2 năm rưỡi. Đà nhảy vọt của giá dầu chủ yếu xuất phát từ hiện tượng nổ đường ống dẫn dầu ở Libya và các cuộc biểu tình ở Iran.
Nhìn một cách tổng thể hơn, động lực mang lại đà hồi phục cho giá dầu xuất phát từ nhu cầu cao và sự suy giảm của tình trạng dư cung toàn cầu. Đóng phần quan trọng trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu là thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài – dẫn đầu là Nga. Cuối tháng 11/2017, OPEC và Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm 2018. Cho tới nay, các đợt cắt giảm sản lượng đã góp phần ổn định giá dầu, nhưng lại tạo điều kiện để các nhà sản xuất dầu đá phiến đẩy mạnh sản lượng.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã cam kết rằng sẽ mở ra kỷ nguyên Mỹ thống trị về lĩnh vực năng lượng, một phần là nhờ giảm bớt nạn quan liêu về hoạt động khai thác dầu.
Tuần trước, Cục An toàn và Thực thi Môi trường (Bureau of Safety and Environmental Enforcement – BSEE) của Mỹ đã ước tính rằng việc giảm bớt quy định sẽ giảm bớt gánh nặng về thủ tục của ngành dầu ít nhất là 228 triệu USD trong vòng 10 năm tới.
Rystad Energy cho biết chính các lực lượng thị trường đã góp phần thúc đẩy đà tăng của sản lượng dầu thô ở Mỹ, chứ không phải là việc nới lỏng quy định.
Đề cập đến nỗ lực giảm bớt quy định của Donald Trump, bà Martin Wiggen cho hay: “Tôi không nghĩ việc này sẽ có tác động đáng kể đến sản lượng dầu ở Mỹ”.
Bà nói thêm, không cần phải lo ngại về khả năng Tổng thống Trump đột nhiên cấm fracking. Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống trong năm 2016, Bernie Sanders đã kêu gọi có một lệnh cấm quốc gia về hoạt động fracking.
Nhờ đà tăng về sản lượng dầu, Mỹ không còn phụ thộc vào nguồn dầu từ các khu vực đầy bất ổn như Venezuela hay Trung Đông.
Bà Martin Wiggen cho biết: “Việc Mỹ sản xuất nhiều dầu hơn là một tiến triển tuyệt vời về vấn đề an ninh”.
Kim ngạch nhập khẩu dầu của Mỹ giảm bớt 25% trong vòng 9 năm qua, dựa trên số liệu từ EIA. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này bắt đầu tăng mạnh kể từ khi lệnh cấm về hoạt động vận chuyển dầu ra nước ngoài bị dỡ bỏ trong năm 2015. Lượng dầu xuất khẩu đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm vừa qua và lên mức kỷ lục. Dẫu vậy, Mỹ vẫn nhập khẩu dầu nhiều hơn là xuất khẩu, nhưng khoảng cách đang dần thu hẹp.
Theo: Vũ Hạo/Vietstock