Gần đây, giá thịt lợn hơi liên tục giảm sâu đã khiến người chăn nuôi điêu đứng. Nhiều phương án “giải cứu” đã được đưa ra nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, quy hoạch nguồn cung, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mới là giải pháp căn cơ để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Quá nhiều khâu trung gian
Theo chân một thương lái chuyên giết mổ lợn - anh Nguyễn Văn Phượng - đến một số trang trại nhỏ thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy, giá thịt lợn hơi tại chuồng xuống thấp kỷ lục nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao. Tại đây, giá thịt lợn hơi dao động ở mức 18.000-20.000 đồng/kg. Sau khi giết mổ, thịt lợn được thương lái mang đến chợ, bỏ mối cho một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ với giá trung bình khoảng 70.000 đồng/kg tùy loại.
Bên cạnh đó, qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) như chợ Quang Trung, Quán Lau, hay siêu thị BigC… giá thịt lợn những ngày gần đây vẫn không thay đổi nhiều. Trong khi giá thịt lợn hơi ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, thì người tiêu dùng vẫn phải bỏ ra gấp 3 lần tiền để mua 1 kg thịt đã qua giết mổ.
Khi được hỏi vì sao giá thịt lợn lại có sự chênh lệch lớn như vậy, anh Phượng cho rằng, thông thường, thịt lợn đến tay người tiêu dùng ít nhất phải qua 3 khâu: Trang trại - thương lái giết mổ - người bán. Chưa kể, từ lợn hơi đến lợn thành phẩm, lượng thịt hao hụt đi khá nhiều. Một con lợn trung bình nặng 100kg chỉ lấy được khoảng 80kg thành phẩm, nhưng những loại thịt ngon như mông, vai, sườn, đùi, thăn chỉ chiếm một phần nên được bán với giá cao từ 80.000-110.000 đồng/kg tùy loại. Các thành phần khác như bì, lòng, mỡ, xương ống, xương cục… giá bán chỉ từ 2.000-20.000 đồng/kg.
“Ngoài ra, để đưa được thịt đến tay người tiêu dùng, chúng tôi cũng phải chịu nhiều loại chi phí như vận chuyển, thuê gian hàng, phí kiểm dịch… dẫn đến giá chênh lệch lớn” - anh Phượng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 4, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, ngành chăn nuôi vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường. “Trăm người bán, vạn người mua” thì giá bán sẽ do người mua quyết định, nhà nước không thể tác động.
Dư thừa nguồn cung
Tư thương ép giá vì dư thừa nguồn cung cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm sâu. Ông Võ Văn Quyền cho hay, tháng 5/2016, sau khi phía Trung Quốc thu mua lợn qua tiểu ngạch quá nhiều, bà con ồ ạt tăng đàn dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo. Năm nay, Trung Quốc giảm mua nên dư thừa nguồn cung. So với nhu cầu của cả nước, hiện nay, lượng thịt lợn tồn trong dân đang vượt khoảng 200.000 tấn, dẫn đến giá liên tục hạ.
Đồng quan điểm với ông Võ Văn Quyền, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phân tích: Tổng khối lượng thịt các loại được nuôi trong dân vào khoảng 5,2 triệu tấn/năm, trong đó, thịt lợn là 3,9 triệu tấn/năm. Trước đây, thịt lợn được sử dụng làm thức ăn chính nhưng hiện nay có trứng, sữa, thủy sản… nên áp lực dư thịt càng lớn. Hơn nữa, việc tổ chức ngành hàng thịt lợn chưa tốt, chỉ 45% chăn nuôi quy mô trang trại, còn lại vẫn quy mô nhỏ lẻ, dẫn đến khó kiểm soát, dễ bị ép giá.
Kỳ II: Nâng cao giá trị sản phẩm

Nguồn: Lan - Hạnh -Trinh/Báo Công Thương điện tử