Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của đồng tác giả Marvin G Perez và Fabiana Batista với tựa đề: “Nguy cơ sụt giảm sản lượng cà phê thế giới do môi trường”.
Trong khi người Mỹ tranh luận rằng liệu biến đổi khí hậu có phải là số liệu ảo do các nhà khoa học đưa ra hay không thì thế giới đang phải đối mặt với thực tế là ngành công nghiệp cà phê đứng trước nguy cơ bị suy giảm mạnh do môi trường ngày càng biến đổi. Cà phê đang bị bao vây bởi nạn phá rừng, tình trạng nhiệt độ cao bất thường, thiếu mưa và các loại bệnh.
Theo ước tính của tổ chức Rabobank International, thị trường cà phê thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năm thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu về đồ uống yêu thích này dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, dẫn đầu là nhu cầu của giới trẻ Mỹ.
Tổ chức Bảo tồn Quốc tế cho biết sản lượng cà phê sẽ phải tăng ít nhất 50% vào giữa thế kỷ này mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Để đối phó với tình trạng này, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu phát triển loại cây cà phê có thể thích nghi với môi trường đang thay đổi.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Cà phê Thế giới, loại cà phê arabica được tập đoàn Starbucks và các nhà chế biến khác ưa chuộng sẽ có sản lượng giảm một nửa vào năm 2050.
Trong khi đó, ở tiểu bang Espirito Santo của Brazil, sản lượng cà phê đã giảm mạnh, đặc biệt đối với loại cà phê robusta. Trong ba năm qua, khu vực này chỉ nhận được 50% lượng mưa trung bình, trong khi nhiệt độ đã tăng lên 3 độ C so với bình thường.
Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua ở Brazil cũng như một số quốc gia Nam Mỹ, Romario Gava Ferrao, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc gia Incaper của Brazil nói với Bloomberg.
Hugo Ramos, nhà khí tượng học của Incaper cho biết khả năng nhiệt độ trung bình của khu vực sẽ tiếp tục tăng cao và điều đó sẽ là thảm họa đối với ngành trồng cà phê của Brazil. "Chúng ta phải nghiên cứu thêm để hiểu những gì sẽ xảy ra trong những năm tới”, ông nói.
Cà phê arabica được tập đoàn Starbucks và các nhà chế biến khác ưa chuộng. Ảnh minh họa: Reuters
Nếu tình hình tồi tệ hơn, Brazil đang xem xét đến việc nhập khẩu cà phê robusta chất lượng thấp hơn từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chế biến của nước này, một lựa chọn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nông dân địa phương.
Theo Viện nghiên cứu Cà phê Thế giới, sản lượng cà phê thế giới giảm khoảng 18,2 triệu bao với trị giá khoảng 2,5 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2016. Đây cũng là nguyên nhân khiến 1,7 triệu người trong ngành mất việc làm. Trái Đất ấm lên có nghĩa là các nhà sản xuất sẽ buộc phải đối mặt với những mối đe dọa thường xuyên hơn đối với sản lượng cà phê của mình.
Để ngăn chặn một tương lai thảm khốc nếu không có cà phê, Christophe Montagnon, nhà di truyền học tại Viện nghiên cứu Cà phê Thế giới đang dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu trong một nỗ lực tìm ra những cây cà phê có thể sống sót trong môi trường thay đổi.
Trong một thí nghiệm gần đây, nhóm nghiên cứu của Montagnon đã tiến hành thử nghiệm 30 giống cây cà phê từ 20 quốc gia và đặt chúng trong các môi trường khác nhau. Ở môi trường nhiệt độ thấp là 2 độ C có 7 loại cà phê tồn tại được, những loại cà phê này sẽ được đưa đến các vùng với khí hậu phù hợp.
Các cây cà phê được cho là có thể chịu được nhiệt độ cao hơn và có thể kháng lại bệnh đốm lá có thể được lựa chọn để trồng ở Brazil cũng như Guatemala. Ông Montagnon cho biết: "Hiện nay chúng ta có những giống cà phê có thể kháng lại băng giá".
Tìm ra những cây cà phê chịu được bệnh đốm lá có thể là một thách thức lớn hơn. Nghiên cứu gần đây cho thấy sức đề kháng của cây cà phê đối với bệnh đốm lá giảm mạnh khi loại bệnh này đã từng xuất hiện trong những năm 1950 của thế kỷ trước. Bệnh nấm vẫn là loại bệnh phổ biến ở một số khu vực, đặc biệt là ở châu Mỹ, nơi nó đe dọa chủ yếu cây cà phê arabica.
Nguồn: BNEWS/TTXVN