Theo OPEC, dự báo này được đưa ra trong bối cảnh những rủi ro suy giảm bắt nguồn từ những bất ổn liên quan tới diễn biến kinh tế thế giới, trong đó có tăng trưởng chậm lại và các căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Triển vọng nhu cầu chậm lại bởi tăng trưởng của nhiều nền kinh tế giảm tốc giữa bối cảnh bất đông thương mại giữa Mỹ và trung Quốc cũng như Brexit khó khăn có thể làm gia tăng áp lực buộc OPEC và các đồng minh bao gồm Nga phải duy trì chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Theo OPEC, triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới phần nào ảm đạm trong phần còn lại của năm 2019, song vẫn cần theo dõi tình trạng cán cân cung cầu và hỗ trợ bình ổn thị trường trong thời gian tới. Với "sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, căng thẳng thương mại dai dẳng và tăng trưởng chậm lại về nhu cầu dầu mỏ, điều cần thiết là phải theo dõi chặt chẽ sự cân bằng giữa cung và cầu và hỗ trợ ổn định thị trường trong những tháng tới", báo cáo của OPEC kết luận. Rất hiếm khi OPEC đưa ra nhận định triển vọng thị trường dầu.
Cũng theo OPEC, “Kinh tế thế giới có nguy cơ tăng trưởng kém đi”, và tổ chức này đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống 3,1% từ mức 3,2% dự báo trước đây, nhưng vẫn giữ dự báo về năm 2020 ở 3,2%.
Liên minh năng lượng gồm các nước thành viên OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga (còn gọi là OPEC+), đã giảm sản lượng dầu kể từ năm 2017 để ngăn giá dầu giảm mạnh trước tình trạng sản lượng dầu gia tăng mạnh mẽ ở Mỹ, nước đã vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
OPEC+ kể từ ngày 1 tháng 1 đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, đến đầu tháng 7/2019 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến cuối tháng 3/2020, nhằm tránh tình trạng dư cung cũng như để hỗ trợ giá “vàng đen." Bất chấp nỗ lực đó, giá dầu vẫn đang không ngừng giảm.
Tháng 7/2019, sản lượng dầu của OPEC tiếp tục giảm, chủ yếu do Saudi Arabia, nước đã cắt giảm sản lượng 134.000 thùng mỗi ngày xuống còn mức 9,698 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng của Iran, thành viên khác của OPEC, cũng tiếp tục bị xói mòn, Iran (giảm 47.000 thùng/ngày), do bị ảnh hưởng bởi việc tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về năng lượng hạt nhân của Iran. Do đó, sản lượng dầu của OPEC trong tháng này giảm tổng cộng 246.000 thùng/ngày xuống còn 29,609 triệu thùng/ngày, mặc dù sản lượng của Iraq tăng 32.000 thùng/ngày và Algeria tăng 22.000 thùng/ngày.

Nguồn: VITIC/Reuters