Trên thị trường thế giới, theo số liệu của Bộ Công thương đưa tin ngày 23/5/2019 trong 10 ngày đầu tháng 5/2019, Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan công bố giá sàn sắn lát xuất khẩu ở mức 215 USD/tấn FOB Băng Cốc, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng /2019. Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan, chào giá xuất khẩu tinh bột sắn giảm 10 USD/tấn so với cuối tháng 4/2019, ở mức 450 – 455 USD/tấn FOB Băng Cốc, trong khi giá tinh bột sắn nội địa giảm 0,1 Baht/kg so với cuối tháng 4/2019, ở mức 13,5 – 13,6 Baht/kg và giá sắn nguyên liệu nội địa cũng giảm 0,15 Baht/kg so với cuối tháng 4/2019 xuống còn 2,25- 2,45 Baht/kg.
Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan trong tháng 3/2019, nước này đã xuất 631,1 nghìn tấn sắn lát và tinh bột sắn, trị giá 6,46 tỷ Baht (tương đương 203,98 triệu USD), giảm 20,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Diễn biến giá xuất khẩu sắn tại thị trường Thái Lan

Nguồn: Agromonitor
Đối với thị trường Trung Quốc, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan nước này, tháng 3/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 370 nghìn tấn sắn lát, trị giá 84,26 triệu USD, giảm 50,7% về lượng và 46,9% về trị giá so với tháng 3/2018. Giá nhập bình quân ở mức 228 USD/tấn, tăng 7,6%. Trước đó, 2 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã phải nhập khẩu 1,15 triệu tấn sắn lát và tinh bột sắn, trị giá 358,84 triệu USD, giảm 36,6% về lượng và giảm 24,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC). Tình hình xuất khẩu của nước này sang thị trường châu Âu không tốt trong bối cảnh Anh chưa tìm được giải pháp cho vấn đề Brexit. Cộng thêm Chính phủ Trung Quốc họp quốc hội để thống nhất các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế nên các nhà máy hiện đang mua hàng chậm.
Tại thị trường nội địa, theo thông tin tổng hợp của Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện nay đang trong thời điểm nắng nóng, và là thời điểm sắn cuối vụ 2018 – 2019, các nhà máy chủ yếu đã dừng sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng tinh bột sắn cho sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc giảm mạnh, trong khi lượng tồn kho của các nhà máy Việt Nam vụ 2018 - 2019 không còn nhiều.
Theo Bảng tin thị trường Nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương số ra ngày 13/5/2019, trong 10 ngày đầu tháng 5/2019, giá sắn nguyên liệu trong nước giảm nhẹ do nhu cầu yếu. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại máy dao động quanh mức 2.600 – 2.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với cuối tháng 4/2019.
Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.300 – 2.500 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với cuối tháng 4/2019.
Về hoạt động thương mại, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, trong nửa đầu tháng 5/2019 (tính đến ngày 15/5) xuất khẩu sắn của cả nước đạt 71,3 nghìn tấn, thu về 28,43 triệu USD, lũy kế kể từ đầu năm đến ngày 15/5 lượng sắn đã xuất 988,2 nghìn tấn, trị giá 379,62 triệu USD, trong đó riêng mặt hàng sắn đạt 9,3 nghìn tấn, trị giá 2,12 triệu USD trong kỳ 1 tháng 5 (từ 1/5 đến 15/5), lũy kế từ đầu năm đến 15/5 đạt 207,8 nghìn tấn, trị giá 41,87 triệu USD.
Trước đó, trong tháng 4/2019 đã xuất khẩu 240,13 nghìn tấn, trị giá 95,58 triệu USD, giảm 11,3% về lượng và giảm 9,1% về trị giá so với tháng 3/2019; so với cùng kỳ năm 2018 tăng 23,5% về lượng và tăng 17,2% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 398,03 USD/tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, lượng sắn xuất khẩu đạt 198,52 nghìn tấn, trị giá 39,76 triệu USD, giảm 57,9% về lượng và giảm 59,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân đạt 200,26 USD/tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với tinh bột sắn, tính đến giữa tháng 4/2019, tổng lượng tồn kho nội địa còn quanh mức 200.000 tấn, trong khi đó vụ sắn đã kết thúc ở hầu hết các vùng nên áp lực giải phóng hàng tồn đối với các doanh nghiệp không lớn. Tuy nhiên, đối với lượng hàng đã đưa lên khu vực Lạng Sơn và Móng Cái, các bên đang phải chịu áp lực bán ra trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt nhập khẩu hàng hóa qua kênh biên mậu.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng sắn của Việt Nam, chiếm trên 89% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 818.268 tấn, tương đương 313,51 triệu USD; theo sau là Hàn Quốc chiếm trên 4% trong tổng lượng và kim ngạch, đạt 40.729 tấn, tương đương 11,79 triệu USD và Philippin chiếm 1,4% trong tổng lượng và kim ngạch, đạt 12.759 tấn, tương đương 5,47 triệu USD.
Thị trường chủ lực xuất khẩu sắn và sản phẩm 4 tháng năm 2019

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam thời gian qua ảm đạm do nhu cầu của thị trường Trung Quốc yếu. Ngoài yếu tố xuất khẩu sắn của Trung Quốc sang thị trường châu Âu không tốt và Chính phủ Trung Quốc họp Quốc hội để thống nhất các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế nên các nhà máy mua hàng chậm, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ.
Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (Sinograin) thông báo đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn dẫn tới sự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Từ sau ngày 1/4/2019, Trung Quốc giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thêm 3% từ mức 16% xuống còn 13% khiến cho giá hàng hóa xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 4/2019 của Việt Nam đạt 398 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 3/2019 nhưng giảm 5% so với tháng 4/2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn tiếp tục tăng nhẹ, đạt 440 USD/tấn, tăng 0,19% so với tháng trước nhưng giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi, do cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc ảm đạm và nguồn cung dồi dào khi đang trong mùa thu hoạch đã kéo giá xuất khẩu sắn lát bình quân của Việt Nam trong tháng 4/2019 đạt 225 USD/tấn, giảm 2,67% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch thúc đẩy mở rộng sản xuất và sử dụng ethanol với mục tiêu sử dụng 10 triệu tấn ethanol E10 vào năm 2020 sẽ đẩy nhu cầu sắn tăng gấp đôi. Thêm vào đó, Thái Lan vẫn duy trì giá xuất khẩu ổn định và đồng Baht tiếp tục tăng giá so với đồng USD, giúp giá sắn của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với giá sắn Thái Lan trên thị trường Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, triển vọng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các nhà sản xuất có sẵn sàng chấp nhận rủi ro tiếp tục phụ thuộc vào nhu cầu tại thị trường Trung Quốc hay không, hay hướng tới các giải pháp như: giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi hơn là chỉ tập trung vào việc cung cấp nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất ethanol của Trung Quốc.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet