Những năm qua, dân số bùng nổ, nền kinh tế công nghiệp tăng trưởng mạnh và sự phát triển của văn hóa tiêu dùng đã góp phần khiến nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp tại Trung Quốc gia tăng đều đặn. Tuy nhiên, ngành sản xuất nông nghiệp của nước này lại liên tục hứng chịu thảm họa từ lũ lụt, hạn hán dịch bệnh Covid-19, dấy lên lo ngại về an ninh lương thực tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo các nhà phân tích, chắc chắn Trung Quốc sẽ không để rơi vào tình trạng thiếu lương thực, nhưng giá cả leo thang và những dấu hiệu về nguồn cung bị thu hẹp đã bắt đầu xuất hiện.
Nhập khẩu lương thực tăng vọt
Mưa lớn liên tục và nước lũ dâng cao không chỉ gây thách thức đối với đập Tam Hiệp của Trung Quốc mà còn làm gián đoạn hoạt động sản xuất lúa gạo, lúa mì cùng nhiều loại cây trồng khác tại các tỉnh dọc bờ sông Dương Tử.
Đây được cho là lý do Trung Quốc, nước nắm giữ hơn 50% tồn kho lúa mì toàn cầu và cũng là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, đã phải nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng này trong nửa đầu năm 2020 - đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Chỉ riêng trong tháng 6, kim ngạch nhập khẩu lúa mì của nước này đạt mức cao nhất 7 năm.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc cũng nhập lượng lớn đậu tương từ Mỹ với tốc độ tăng lớn nhất kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, nhập khẩu đậu tương từ Brazil cũng tăng 91% so với năm trước. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc ráo riết mua đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương để nuôi đàn lợn với quy mô lớn nhất thế giới của mình. USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu số lượng đậu tương kỷ lục vào năm tới.
Vài tháng qua, lượng nhập khẩu thịt lợn, đậu tương, bã đậu tương, lúa mì, ngô, lúa miến và thực phẩm chế biến/đông lạnh của Trung Quốc đều tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 6, tổng kim ngạch nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc, bao gồm lúa mì, lúa mạch, ngô, gạo, lúa miến và đậu nành, đã tăng 80,6% so với cùng kỳ năm trước - gần gấp ba so với mức tăng 32,4% ghi nhận vào tháng 5 và đảo ngược hoàn toàn so với mức giảm 6,4% của tháng 4.

Giá ngô tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất 5 năm. Ảnh: Xinhua.

Theo các nhà phân tích, sản lượng sản xuất và dự trữ nội địa của nước này đang không đủ đáp ứng nhu cầu. Vài tháng gần đây, Bắc Kinh phải vật lộn để ngăn chặn tình trạng giá cả leo thang do những gián đoạn trong nguồn cung gây ra bởi đại dịch Covid-19, lũ lụt nghiêm trọng tại miền Nam và hạn hán ở miền Bắc. Bên cạnh đó, nguồn cung lương thực nội địa của nước này còn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng đầu cơ trước quan ngại về xung đột với Mỹ.
Kho dự trữ ngô lớn nhất thế giới “gặp nạn”?
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Trung Quốc không chỉ là nhà sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), mà còn nắm giữ 65% lượng ngô tồn kho toàn cầu tính tới cuối vụ mùa năm nay. Tuy nhiên, vào tuần trước, báo chí rộ tin ngô dự trữ tại một số kho quốc gia của Trung Quốc xuất hiện tình trạng hư hỏng. Số ngô này đã được trữ trong nhiều năm.
Theo các nhà phân tích, điều này lý giải cho hai đợt nhập khẩu ngô lớn từ Mỹ của Trung Quốc, trong đó có một đợt với số lượng lớn chưa từng thấy trong lịch sử (1,76 triệu tấn). Ngoài ra, giá ngô nội địa tăng lên mức cao nhất 5 năm, dù nước này gần đây đã bán hơn 38 triệu tấn ngô từ các kho dự trữ quốc gia, cho thấy một phần nguồn cung mặt hàng này ở Trung Quốc đang gặp vấn đề. Cơ quan Dịch vụ nông nghiệp Nước ngoài của USDA chỉ ra rằng việc sâu keo mùa thu xuất hiện sớm và nhiều hồi tháng 6 có thể là nguyên nhân gây ra cơn sốt ngô hiện tại ở Trung Quốc.
Chuyên gia Ma Wenfeng của công ty tư vấn Beijing Orient bình luận giá ngô tăng vọt cho thấy khả năng sản lượng ngũ cốc vụ hè đã giảm, trái ngược với các số liệu thống kê và tuyên bố chính thức. Ông cho rằng sản lượng ngũ cốc vụ hè của Trung Quốc có thể đã giảm tới 4,6% so với năm ngoái xuống còn 135,17 triệu tấn - mức thấp nhất trong vòng 7 năm và thấp hơn 7,64 triệu tấn so với con số được Bắc Kinh công bố.
Các nhà phân tích dự báo nhập khẩu lương thực của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào nửa cuối năm nay trong bối cảnh nguồn cung nội địa giảm. Việc mở rộng nhập khẩu lương thực từ khắp nơi trên thế giới cho thấy Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung lương thực, đồng thời đảm bảo tuân thủ thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Dù vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng an ninh lương thực của Trung Quốc và những vấn đề của nước này cũng ít có khả năng tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, rõ ràng hiện tại đây là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh. Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghé thăm tỉnh Cát Lâm - nơi có sản lượng ngô hàng đầu của nước này, và thúc giục chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ đất đai canh tác và đảm bảo “an ninh ngũ cốc” của đất nước. Vài tuần gần đây, Bắc Kinh cũng đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh lương thực quốc gia.

Nguồn: Lê Giang / Người đồng hành (Theo SCMP/Forbes)