Chia sẻ tại diễn đàn xuất khẩu Hortex Việt Nam 2019, trong khuôn khổ hội thảo chia sẻ về Tiềm năng xuất khẩu nông sản, rau quả vào thị trường Hàn Quốc diễn ra chiều 13/3, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương), cho hay Hàn Quốc là thị trường có sức mua lớn, dân số khoảng 51 triệu dân, GDP hơn 1.500 tỉ USD đứng thứ 20 thế giới và thu nhập bình quân đầu người đạt 41.000 USD, đứng thứ 27 thế giới. 
Mỗi người Hàn Quốc tiêu thụ hơn 200 kg rau mỗi năm
Giai đoạn 2011 - 2017, nhập khẩu nông sản (gồm thủy sản, rau củ quả) của Hàn Quốc không ngừng tăng từ 32 tỉ lên 34,5 tỉ USD. Con số trong năm 2018 lên đến 35,2 tỉ USD.
Nguồn: Bộ Công thương
 Giai đoạn 2015 - 2017, ghi nhận 5 nước đứng đầu xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc thứ tự gồm Mỹ, Trung Quốc, EU, Australia, Việt Nam. Mặc dù nằm trong top 5 này, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam còn khiêm tốn với chỉ khoảng 1,7 tỉ USD so với tổng nhập khẩu của Hàn Quốc, con số này cũng khiêm tốn so với tổng lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.
Nguồn: Bộ Công thương
 Ông Hưng cho biết, trong số nhu cầu nhập khẩu nhóm nông sản của Hàn Quốc thì rau quả rất lớn với 8,44 tỉ USD. Hàn Quốc nhập chủ yếu bắp cải, xà lách, củ cải, ớt, tỏi, ớt chuông… bởi văn hóa ăn kim chi rất nhiều, mỗi năm 1 người Hàn Quốc dùng hơn 200 kg rau, trong khi bình quân thế giới chỉ 130 kg mỗi người.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nhập khẩu khá nhiều trái cây, bình quân mỗi người tiêu dùng khoảng 60 kg/năm. Các loại trái cây hay dùng có cà chua, dưa hấu. Tuy nhiên chỉ mới đáp ứng 64% nhu cầu trong nước, do đó, Hàn Quốc phải nhập khẩu thêm.
Nhập khẩu Nông lâm thủy sản của Hàn Quốc năm 2018 (triệu USD) và các mặt hàng nhập khẩu chính của Hàn Quốc. (Nguồn: Bộ Công thương).
Hàn Quốc cũng nhập nhiều trái cây tưới như bơ, chuối, xoài, cam , dứa, sầu riêng. Chiếm 1/4 giá trị trái cây nhập khẩu của Hàn Quốc (năm 2017) là chuối với 370 triệu USD, và 90% chuối nhập từ Philippines. Thứ hai là cherry với 170 triệu USD, chủ yếu nhập từ Australia, New Zealand; kế đến là xoài 70 triệu USD, trong đó nhập từ Việt Nam hơn 3 triệu USD.

Nhập khẩu trái cây tươi của Hàn Quốc năm 2017. (Nguồn: Bộ Công thương)
Kênh phân phối siêu thị đóng vai trò chủ đạo tại Hàn Quốc
Ông Hưng thông tin, kênh phân phối sản phẩm nông sản của Hàn Quốc đi từ các trang trại qua trung tâm sơ chế, đi vào chợ nông sản, siêu thị bán lẻ và rồi đến người tiêu dùng. 
Đối với hệ thống này, ông Hưng nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý kênh siêu thị (gồm đại siêu thị, chuỗi siêu thị, siêu thị vừa và nhỏ) chiếm tỉ trọng lớn nhất với tổng cộng 67%, còn lại chợ truyền thống và nơi khác lần lượt 27% và 6%.
Nông sản Việt nào còn dư địa xuất khẩu sang Hàn Quốc
Ông Hưng cho hay, thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng 123 lần, từ 0,5 tỉ USD năm 1992 lên 61,5 tỉ USD năm 2017. Năm 2017, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). 
Trong đó, nhóm nông lâm thủy hải sản còn chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn chỉ khoảng 5,9%, hiện chủ yếu là điện thoại, linh kiện, máy móc. 
Mặt hàng nông sản Việt sang Hàn Quốc chính như cà phê, chuối, xoài, ớt, tỏi, thanh long, gạo, tôm, cá phile, cá đông lạnh. Thị trường Hàn Quốc lớn nhưng thị phần Việt Nam còn hết sức hạn chế và khiêm tốn chiếm 3,5%, ông Hưng nhận xét. 
Ông Hưng lý giải nguyên nhân là hiện Việt Nam chỉ mới được phép nhập khẩu 5 loại trái cây vào Hàn Quốc (dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long), trong khi một số loại khác như vú sữa, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn đang chờ xin phép nhập khẩu. 
Ngoài ra, Hàn Quốc ưa chuộng chuối và nhập mỗi năm đến 370 triệu USD trong khi nhập từ Việt Nam chỉ khoảng 2,7 triệu USD. Bên cạnh đó, gạo lứt, cao su của Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để xuất sang Hàn Quốc.
Dư địa một số mặt hàng cụ thể. (Nguồn: Bộ Công thương). Đvt: USD

Nguồn: Phương Nam/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng