Lúa mì và ngô có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay

Đóng cửa phiên đầu tuần, giá các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh. Lúa mì là mặt hàng có mức giảm sâu nhất 4.1%, về mức 730.50 cent/giạ. Ngô cũng là mặt hàng đáng chú ý khi kết thúc chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp với mức sụt giảm mạnh 2.8% về 711.75 cent/giạ.

Với ngô, không có quá nhiều thông tin cơ bản khiến giá giảm trong khi thời tiết khô hạn kéo dài ở Brazil vẫn là yếu tố “bullish” dài hạn. Phiên giảm hôm qua có thể được coi là hành động chốt lời của giới đầu cơ trước những lo sợ về biến động lớn do ảnh hưởng của Báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới. Báo cáo này sẽ được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào 23h tối thứ Tư ngày 12/05.

Theo dự báo thời tiết cho thấy, lượng mưa ở vùng đồng bằng phía nam ở Mỹ sẽ giúp cải thiện tình trạng khô hạn lên lúa mì vụ đông tại đây. Bên cạnh đó, nhiệt độ và độ ẩm các vùng gieo trồng chính ở châu Âu và khu vực biển Đen sẽ khá thuận lợi cho giai đoạn gieo trồng trong tuần này, đã góp phần tạo áp lực lên giá lúa mì. Ngoài ra, giá lúa mì giảm mạnh cũng do ảnh hưởng từ mức giảm của giá ngô do đây là 2 loại ngũ cốc có thể thay thế nhau trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Rạng sáng nay, Bộ nông nghiệp Mỹ đã phát hành báo cáo Crop Progress - Tiến độ gieo trồng các mùa vụ các loại nông sản. Gieo trồng lúa mì vụ xuân đạt 70% diện tích dự kiến, cao hơn so với dự đoán của thị trường và mức trung bình 5 năm. Đây sẽ là thông tin mang tính “bearish” với giá lúa mì trong phiên hôm nay.

Giá hợp đồng ngô kì hạn tháng 7 mở cửa sáng nay ở mức 711 cent/giạ và bên bán vẫn đang chiếm ưu thế. Trước áp lực chốt lời, giá ngô có thể tiếp tục điều chỉnh nhẹ trong phiên hôm nay nhưng mốc 700 vẫn là hỗ trợ cứng.

 

Arabica có thể test lại mức kháng cự tâm lý 150 cents trong hôm nay

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá các mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu, trong khi đường có một phiên giằng co mạnh và kết thúc với mức không đổi so với giá tham chiếu.

Giá Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US đóng cửa giảm mạnh 3.17% về mức 148.05 cent/pound. Mặc dù giới phân tích đã dự đoán trước được việc điều chỉnh trong ngắn hạn của giá Arabica, tuy nhiên mức giảm này vẫn mạnh hơn dự kiến khi thị trường chưa có nhiều thông tin cơ bản tác động “bearish”.

Đồng Real tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 1 đến nay, sẽ vẫn là yếu tố cản trở hoạt động bán hàng của nông dân nước này trong ngắn hạn. Trong khi đó, Mỹ đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với đại dịch khi số ca nhiễm và nhập viện giảm mạnh, nhờ thành công của việc tiêm chủng. Với 58% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 113 triệu (34%) tiêm chủng đầy đủ, Mỹ đang trên đường hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đặt ra, trong đó 70% dân số sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 4/7. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu cà phê trong thời gian tới.

 

Giá dầu dao động nhẹ, thị trường chờ đợi báo cáo tối nay

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô tăng nhẹ với WTI tăng không đáng kể 0.03% lên 64.92 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.06% lên 68.32 USD/thùng.

Giá mở cửa đầu tuần có gapup do thông tin hệ thống ống dẫn dầu Colonial Pipe bị tấn công mạng dẫn đến ngừng hoạt động hoàn toàn. Giá Brent trong phiên đã test lại vùng 70 USD/thùng, tuy nhiên giá đã không bật tăng thành công. Kết hợp với các thông tin nguồn cung gia tăng từ Iran, giá dầu quay đầu giảm và kết thúc với giá đóng cửa tăng nhẹ so với giá cuối tuần. Theo khảo sát của S&P Global Platts, sản lượng của Iran tháng trước đạt 2.43 triệu thùng/ngày, tăng 130,000 so với tháng 3 khi nước này quay lại khai thác các mỏ dầu ở phía Nam. Thêm vào đó, dịch bệnh COVID tiếp tục là yếu tố tác động tiêu cực lên giá dầu khi WTO tuyên bố nâng mức cảnh báo của biến thể COVID tại Ấn Độ thành “mối đe dọa sức khỏe toàn cầu” khi chủng virus mới này có khả năng vượt qua một số lớp phòng vệ mà văc-xin đem lại.

Trong hôm nay các nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý đến Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn của EIA vào 19h00 tối nay để có thêm thông tin về mức tiêu thụ, nguồn cung toàn cầu dự kiến trong năm nay. Bên cạnh đó, báo cáo hàng tháng của OPEC cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá, khi thị trường chờ đợi thông tin về mức sản xuất thực tế của các thành viên so với hạn mức đề ra, đồng thời dự kiến sản lượng khai thác trong tháng tới. Việc Saudi Arabia gần đây giảm giá bán chính thức (OSP) tháng 6 cho thị trường châu Á và Iraq giảm OSP cho châu Âu gợi ý rằng các thành viên chủ chốt OPEC đang giữ quan điểm không mấy tích cực về triển vọng giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)