Ngô và lúa mì biến động mạnh trước báo cáo Cung – cầu tháng 5

Giá ngô và lúa mì đã trải qua nhiều biến động mạnh chỉ trong 2 phiên đầu tuần. Sau khi giảm đột ngột do áp lực chốt lời của giới đầu cơ, 2 mặt hàng ngũ cốc này đã tăng điểm trở lại khi đóng cửa phiên hôm qua. Giá ngô tăng 1.48%, lên mức 722.25 cent/giạ. Lúa mì cũng tăng lên 741.75 cent/giạ, với mức tăng khá mạnh 1.54%.

Trong báo cáo Daily Export Sales vừa được bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào hôm qua, 680,000 tấn ngô niên vụ mới đã được bán cho Trung Quốc nâng tổng khối lượng ngô mua hàng từ Mỹ trong đầu tuần này lên mức 1.7 triệu tấn. Các đơn hàng lớn từ nước này liên tục được công bố cho thấy nhu cầu tiêu thụ khổng lồ vẫn sẽ tiếp tục ổn định trong niên vụ tới. Trong khi đó, sức ép từ nguồn cung thắt chặt hơn đang tăng lên khi thời tiết khô hạn ở Brazil đang chưa có cải thiện từ cuối tháng 3 tới nay. 25% diện tích ngô vụ 2 ở bang Parana được đánh giá là tốt, giảm từ mức 28% vào tuần trước. Tổ chức xuất khẩu ngũ cốc ANEC của nước này cũng dự báo sẽ không có thêm đơn hàng nào vào tháng 5. Những thông tin này đã củng cố lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngô sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới và hỗ trợ cho xu hướng tăng của giá ngô.

Như mọi khi, xu hướng tiếp theo của các mặt hàng sẽ rõ ràng hơn sau khi báo cáo Cung-cầu nông sản thế giới được công bố sau 23h tối nay. Trong báo cáo này, thị trường sẽ quan tâm hơn đến số liệu về mức tồn kho, xuất khẩu của Mỹ trong niên vụ mới và dự đoán về sản lượng vụ ngô của Brazil.

Giá ngô tăng lên cũng góp phần kéo theo giá lúa mì. Bên cạnh đó, ở khu vực gieo trồng của Pháp, một đợt không khí lạnh đi qua đã làm gia tăng lo ngại về chất lượng lúa mì ở đây. Ngoài ra, hầu hết không có nhiều kỳ vọng về những thay đổi lớn trong số liệu lúa mì của báo cáo Cung – cầu tháng 5 này.

 

Cà phê có thể tiếp tục điều chỉnh, đà tăng của đường nhiều khả năng sẽ chậm lại 

Kết thúc phiên giao dịch 11/05, giá đường và các mặt hàng cà phê đồng loạt tăng, trái chiều với toàn bộ các mặt hàng khác trong nhóm nguyên liệu công nghiệp.  

Phố Wall đồng loạt giảm mạnh khi thị trường lo ngại về việc thiếu hụt lao động và nguyên liệu đầu vào. Khan hiếm nguyên liệu không chỉ ngăn nền kinh tế phát huy hết tiềm năng mà còn có thể đẩy lạm phát lên cao hơn khi các công ty buộc phải tăng giá vì sự cạnh tranh về nguồn cung. Vì thế khi dòng vốn rút khỏi thị trường tài chính, một phần không nhỏ đã được chuyển sang thị trường hàng hóa và tác động đến giá các mặt hàng. 

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US tăng 1.38% lên mức 150.10 cent/pound, đúng như dự đoán trước đó của MXV News. Giá nhiều khả năng sẽ chỉ giằng co tại vùng này trong phiên hôm nay khi các sự phục hồi về nhu cầu vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó tại Brazil, thời tiết khô ráo đang giúp việc thu hoạch diễn ra thuận lợi, là yếu tố “bearish” tiềm ẩn trong thời gian tới. 

 

Giá kim loại biến động trái chiều trước thềm công bố số liệu về lạm phát ở Mỹ 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, giá bạch kim mạnh 1.9% xuống 1241.3 USD/ ounce trong khi giá bạc đóng cửa với mức tăng nhẹ 0.6% lên 27.67 USD/ ounce.  

Lợi suất trái phiếu dài hạn ở các nước phương Tây đều tăng đã gây áp lực lên giá của các mặt hàng kim loại quý. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần là 1.63% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đã tăng lên -0.16%, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. 

Tuy nhiên, giá kim loại quý được hỗ trợ nhiều trong bối cảnh mối lo lạm phát toàn cầu. Trung Quốc vừa thông báo giá sản xuất PPI của nước này tăng 4.4% so với tháng 3, phản ánh sự gia tăng lớn của chi phí đầu vào. Đồng thời, Chỉ số giá tiêu dùng CPI của nước này cũng tăng 0.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chỉ số giá bán buôn tháng 4 của Đức tăng 7.2%, mức tăng lớn nhất trong 10 năm.  

Mặc dù đều là các mặt hàng kim loại quý, vai trò trú ẩn của bạc được đề cao hơn do nhu cầu đầu tư vào bạc cao gần gấp 3 lần nhu cầu đầu tư vào bạch kim, nên giá của kim loại này vẫn giữ được đà tăng trong khi giá bạch kim giảm.  

Bên cạnh đó, các nhà phân tích dự đoán chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 4 sẽ tăng 0.2% so với tháng 3, tương ứng với tỉ lệ lạm phát hàng năm là 3.6%. Đây là sẽ là mức tăng giá sinh hoạt nhanh nhất trong 12 tháng kể từ tháng 9 năm 2011, tháng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu chỉ số lạm phát của Mỹ tăng và sát với dự báo, giá của hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim được kì vọng sẽ tăng mạnh, tuy nhiên giá của bạc sẽ tăng mạnh hơn so với bạch kim nhờ vào nhu cầu trú ẩn cao.   

 

Giá dầu thô tăng nhẹ nhờ báo cáo lạc quan của OPEC và EIA

Giá dầu hôm qua tăng nhẹ nhờ triển vọng lạc quan của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về thị trường dầu năm nay. Cụ thể, giá WTI tăng 0.55% lên 65.28 USD/thùng, giá Brent tăng 0.34% lên 68.55 USD/thùng.

Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, OPEC giữ nguyên dự đoán về nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 đưa ra trong tháng trước. Mặc dù OPEC hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ và Nhật Bản xuống 0.1% so với con số đưa ra tháng trước, tuy nhiên tổ chức này nâng dự báo GDP Mỹ từ 5.7% lên 6.2%. Theo đó, GDP Mỹ kéo nền kinh tế thế giới tăng 5.5% - tương đương mức tăng 0.1% so với con số dự báo tháng trước. Tương tự, EIA giữ nguyên dự báo GDP Mỹ đạt 6.2% trong năm, tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2021 vẫn ở mức 97.7 triệu thùng/ngày, tăng 5.4 triệu thùng/ngày so với năm trước và tăng nhẹ 20,000 thùng/ngày so với số dự báo tháng trước. Như vậy, 2 tổ chức này vẫn cho rằng nhu cầu tăng tại Mỹ và châu Âu sẽ bù đắp cho mức giảm tại khu vực châu Á.

Tuy vậy, giá dầu vẫn không bật tăng mạnh mẽ do đây đều là các thông tin không mới và các yếu tố như dịch bệnh COVID và khả năng nguồn cung tăng tại Iran tiếp tục cản trở giá dầu. Mặc dù đến đầu tháng 5 OPEC mới nới lỏng cắt giảm sản lượng và nguồn cung tại Venezuela, Libya và Angola sụt giảm, nhưng sản lượng tăng tại Nigeria, Iran và Saudi Arabia đã khiến nguồn cung của cả nhóm tăng 30,000 thùng/ngày trong tháng 4.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)