OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, sẽ họp tại Vienna, Áo, trong hai ngày 1 – 2/7 để bàn về chính sách sản lượng cho nửa cuối năm. OPEC+ từng nhất trí giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm để ứng phó tình trạng dư cung và thúc đẩy giá dầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/6 nói ông và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã đồng ý gia hạn chính sách thêm 6 – 9 tháng, cho đến tháng 12/2019 – tháng 3/2020.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih, thời gian giảm sản lượng khả năng cao kéo dài thêm 9 tháng và không cần giảm sâu hơn.
Iran là thành viên lớn duy nhất trong OPEC chưa lên tiếng về nhu cầu duy trì hạn chế sản lượng. Iran trong quá khứ từng phản đối những chính sách do Arab Saudi, đối thủ trong khu vực, đưa ra, cho rằng Riyadh quá thân cận với Washington.
Mỹ không phải thành viên OPEC và cũng không tham gia thỏa thuận nguồn cung. Mỹ kêu gọi Arab Saudi bơm thêm dầu để bù đắp cho phần thiếu hụt từ Iran, sau khi Washington tái trừng phạt Tehran trong năm ngoái.
Chiến lược giảm sản lượng được OPEC cùng đồng minh triển khai từ năm 2017 để ngăn giá dầu lao dốc, trong bối cảnh sản lượng tại Mỹ tăng mạnh. Mỹ hiện đã trở thành quốc gia sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới, vượt qua Nga và Arab Saudi.
Warren Patterson, giám đốc chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Hà Lan ING, nhận định OPEC sẽ tổn thất thêm nếu không gia hạn thỏa thuận.
“Một phần là do điểm hòa vốn giá dầu – của Arab Saudi là khoảng 85 USD/thùng, do đó, họ sẽ lo ngại nếu chênh lệch giữa con số trên và giá thị trường ngày càng lớn”.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm 2019 lên 65 USD/thùng nhưng có nguy cơ chững lại do kinh tế toàn cầu giảm tốc và dầu từ Mỹ tràn ngập thị trường, theo khảo sát từ Reuters.
Rủi ro địa chính trị gia tăng
Thỏa thuận hạn chế sản lượng hết hạn hôm 30/6. OPEC sẽ họp trong ngày 1/7, tiếp đó là OPEC+ họp ngày 2/7.
Bộ trưởng Năng lượng Iraq Thamer Ghadhban ngày 30/6 dự báo thỏa thuận kéo dài thêm 6 – 9 tháng nhưng Baghdad có quan điểm mở về vấn đề này.
“Điều quan trọng nhất là ổn định thị trường, tránh biến động, cố ứng phỏ với tình trạng tồn kho đang ở mức cao”, Ghadhban nhận định. “Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ gia hạn tới cuối năm. Tôi cũng không phản đối nếu có sự đồng thuận cho 9 tháng”.
“Quyết định nên do nội bộ OPEC đưa ra”.
Iraq đã vượt qua Iran, trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong OPEC, và xuất khẩu của Baghdad gia tăng nhờ đầu tư từ phương Tây.
Trong khi đó, xuất khẩu của Iran giảm còn 0,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6 từ mức 2,5 triệu thùng hồi tháng 4/2018 vì bị Mỹ trừng phạt.
Đây là áp lực chưa từng có đối với Iran. Ngay cả năm 2012, khi Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ trừng phạt Iran, xuất khẩu của Tehran vẫn còn khoảng 1 triệu thùng/ngày. Nguồn thu từ dầu mỏ chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách của Iran.
“Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran làm gia tăng nguy cơ giá dầu biến động, khiến các thành viên OPEC khó ứng phó”, Ann-Louise Hittle, phỏ chủ tịch mảng dầu vĩ mô tại công ty tham vấn Wood Mackenzie, nhận định.
“Chúng tôi ước tính nhu cầu sẽ tăng 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ Mỹ áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc nước khác, GDP toàn cầu suy yếu”.
Nguồn: Như Tâm/Người đồng hành