Dẫn nguồn tin từ Báo Tiền Phong, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) vừa qua, giá chanh tăng cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh. Thực tế, vụ thu hoạch chanh năm 2018 giá xuống đáy, nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi. Nếu năm ngoái, giá chanh chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg, thì năm nay giá lại lên đến 15.000 -16.000 đồng/kg.
Một loại trái cây khác cũng nhiều lần tăng/giảm như là mít Thái. Hiện giá loại mít này tăng rất cao, nhiều nơi vẫn ồ ạt mở rộng diện tích, thậm chí chặt tiêu, điều…để trồng mít, dù đã được khuyến cáo. Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 6.000 ha.
Ngoài Tiền Giang, một số địa phương tại Đồng Tháp cũng đang lên tiếp trồng mít trên đất ruộng, hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trong quý 2/2019, giá mít giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn mức 8.000 - 15.000 đồng/kg, đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.
Giá mít Thái giảm mạnh khiến không ít nhà vườn trồng loại trái cây này lo lắng, nhất là các hộ chặt tiêu, điều để trồng mít Thái trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019 - thời điểm bùng phát phong trào chuyển đổi sang trồng mít Thái ở Bình Phước.
Với mặt hàng thanh long, thời điểm đầu tháng 10/2019, nông dân ở Bình Thuận thu hoạch thanh long chính vụ để xuất khẩu. Mức giá thanh long dao động khoảng từ 5.000 -8.000 đồng/kg, cao hơn so với chính vụ năm trước và trái cây được thương lái thu mua đều nên người làm vườn có lãi.
Thanh long Bình Thuận được thương lái và các doanh nghiệp thu mua chủ yếu để xuất khẩu qua Trung Quốc. Một lượng ít trái cây ở vườn VietGAP, GlobalGAP được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, gần đây tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, hàng trăm xe thanh long bị tắc do lượng xe đổ về quá lớn, gây cảnh ùn ứ. Hiện Hải quan đã phối hợp với các cơ quan tỉnh Lạng Sơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thông quan hàng hoá.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản cần làm thủ tục khai báo chính xác các loại hàng xuất khẩu chính ngạch để tránh tình trạng bị ùn ứ, làm tăng chi phí, giảm chất lượng hàng nông sản.
Cùng với đó, cam đặc sản đang giảm mạnh. Vừa bước vào đầu mùa cam tại các tỉnh phía Bắc nhưng trên thị trường, giá cam chỉ có từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Thậm chí cam Cao Phong, đặc sản Hòa Bình, cũng giảm giá 50% so với năm ngoái.
Khoảng nửa tháng nay, khắp các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, cam đã được bày bán la liệt với đa dạng các giống cam như cam Vinh, cam Xoàn, cam ngọt Hưng Yên… Giá bán các loại cam này đều chỉ quanh ngưỡng 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Cam Cao Phong là một loại trái cây đặc sản của huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình. Cam được trồng nhiều tại một số xã miền núi giáp với thị trấn Cao Phong. Cam Cao Phong là loại quả có giá trị kinh tế cao. Những năm trước, cam Cao Phong có giá khá đắt đỏ luôn dao động quanh ngưỡng 50.000 đồng/ kg.
Tuy nhiên thời gian gần đây, diện tích cam lớn do người nông dân chuyển đổi cây trồng từ mía sang trồng cam nên sản lượng cao. Do vậy, giá cam Cao Phong đã giảm. Năm nay, tuy mới đầu mùa nhưng giá cam Cam Phong hiện đang dao động quanh mức 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cam loại 1 mã đẹp vẫn được thương lái thu mua với mức 45.000 đồng đến 50.000 đồng một kg.
Vài năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã phát triển ồ ạt các loại cây trồng có múi như bưởi, cam, chanh… Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2018, diện tích cây cam tăng 9,1%, bưởi tăng 12,2%... Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, sản lượng cam đạt 472.800 tấn, tăng 10,4%.
Theo dự đoán của các tiểu thương, khi vào chính vụ, giá cam còn rẻ hơn nữa. Bởi thời điểm này cũng trùng với vụ thu hoạch của bưởi và sắp tới là cam Canh. Mặt khác, thị trường tiêu thụ chính của cam ở các tỉnh phía Bắc vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã siết chặt nhập khẩu qua tiểu ngạch, do đó sản lượng hoa quả xuất khẩu vào vào thị trường này sẽ giảm đáng kể.
Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương cần có quy hoạch để ổn định diện tích cây ăn quả có múi và gắn với liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Về hoạt động thương mại, theo Cục XNK xuất khẩu hàng rau quả tháng 10/2019 ước đạt 250 triệu USD, giảm 8,1% so với tháng trước, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019, mặt hàng quả và quả hạch là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, nhưng trị giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có các loại quả xuất khẩu chính như: Thanh long, sầu riêng, dừa, dưa hấu….
Thanh long là loại quả chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu mặt hàng quả và quả hạch xuất khẩu, trị giá xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019. Quả thanh long xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính như: Trung Quốc đại lục, Mỹ, Thái Lan, Hongkong (TQ)… Tỷ trọng xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 92,1% tổng trị giá xuất khẩu thanh long, đạt 889,7 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt 25,6 triệu USD, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong cơ cấu mặt hàng quả và quả hạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 đáng chú ý là mặt hàng chuối đạt 132,9 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu đạt 6,3% tăng 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018. Quả chuối trong 0 tháng đầu năm 2019 đạt 121,8 triệu USD, tăng 68,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 3,59 triệu USD, giảm 5,2%; Malaysia đạt 2,7 triệu USD, tăng 486,6%...
Đáng chú ý, sản phẩm chế biến là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai trong cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu có trị giá xuất khẩu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, chanh leo chế biến là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và tốc độ tăng trưởng mạnh nhất đạt 57,5 triệu USD, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm 2018. Chanh leo chế biến xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính như: Trung Quốc đại lục, Hà Lan, Mỹ, Đài Loan (TQ)… Trên thị trường thế giới hiện nay, chanh leo là một trong những loại trái cây có nhu cầu cao. Nhu cầu đối với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Do đó, tiềm năng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam là rất lớn. Ngoài mặt hàng chanh leo chế biến, các mặt hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2019 như: Hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt mè, xoài…

Trái ngược với xuất khẩu, nhập khẩu rau quả 10 tháng đầu năm ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, rau ước đạt 552 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 952 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan và Trung Quốc đại lục là hai thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất, tiếp theo là Mỹ, Australia, Myanmar...
Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hongkong (TQ), Thái Lan, Australia và đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đại lục. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 112,49 triệu USD, chiếm 4%, tăng mạnh 36,9%; Mỹ đạt 111,97 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á tăng 11%, đạt 119,27 triệu USD, chiếm 4,2%; xuất sang Hàn Quốc cũng tăng 12,3%, đạt 95,61 triệu USD, chiếm 3,4%. Rau quả xuất khẩu sang Lào tăng rất mạnh 313,5%, đạt 29,36 triệu USD; Hồng Kông tăng 216,9%, đạt 49,36 triệu USD; Đài Loan tăng 56,4%, đạt 49,36 triệu USD.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đại lục đạt 1,91 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm giảm xuất khẩu nông sản của Trung Quốc đại lục sang thị trường Mỹ. Vì vậy, hàng nông sản của Trung Quốc đại lục quay lại tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu.
Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do xuất khẩu một số mặt hàng chính giảm mạnh như: nhãn (giảm 43%), sầu riêng (giảm 20,2%), dừa (giảm 30,8%), dưa hấu (giảm 26,3%), chôm chôm (giảm 7,3%), mộc nhĩ (giảm 49,4%), nấm hương (giảm 46,6%), ớt (giảm 44,8%), khoai lang (giảm 39,5%).
Hiện Việt Nam đã được xuất khẩu 9 loại quả sang Trung Quốc đại lục, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đại lục nhập khẩu măng cụt chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, ngày 26/4/2019, Trung Quốc đại lục và Việt Nam đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt. Cuối tháng 8/2019, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc địa lục công bố các báo cáo liên quan đến kiểm dịch măng cụt Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Thời gian tới măng cụt Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại các siêu thị và cửa hàng tại Trung Quốc địa lục - đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp khai thác thị trường măng cụt Trung Quốc đại lục trong thời gian tới.
Đối với trái sầu riêng, dẫn nguồn tint từ Nông nghiệp Việt Nam, để rộng đường vào thị trường Trung Quốc đại lục chính quyền và nông dân Đăk Lăk đang khẩn trương triển khai các bước để khi mặt hàng sầu riêng được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc đại lục sẽ đáp ứng ngay được tiêu chuẩn của thị trường tỷ dân.
Diện tích trồng sầu riêng ở Đăk Lăk đã vượt xa so với quy hoạch của tỉnh. Nếu như năm 2014 diện tích sầu riêng toàn tỉnh mới đạt 1.379ha, thì tính đến cuối năm 2018, diện tích đã tăng lên 6.089ha, đó là chưa kể đến hàng ngàn ha được trồng mới trong năm 2019.
Theo Quyết định số 2325/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển 5.000ha sầu riêng. Như vậy, với diện tích sầu riêng hiện nay thì đã vượt xa quy hoạch chung của tỉnh. Các giống sầu riêng chủ yếu là các giống chất lượng cao như: Dona, Ri6, Monthon… được trồng tập trung tại các huyện Krông Păk, Krông Năng và huyện Krông Buk. Cũng theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện nay diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch trên 3.000ha, với năng suất bình quân 20 tấn/ha, thì sản lượng sầu riêng toàn tỉnh đạt từ 50.000 - 60.000 tấn.
Thực tế những năm qua sầu riêng của Đăk Lăk chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nay thị trường Trung Quốc đại lục đóng cửa con đường này trong khi đó mặt hàng trái sầu riêng của Việt Nam chưa được Trung Quốc đại lục cho xuất khẩu chính ngạch. Từ thực tế này nguy cơ khủng hoảng thừa sầu riêng tại Đăk Lăk có nguy cơ xảy ra đặc biệt trong những năm tới khi diện tích sầu riêng cho thu hoạch tăng nhanh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk để sầu riêng phát triển bền vững thì ngành chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất từ tự phát sang trồng sầu riêng có kiểm soát. Trước mắt, ngành nông nghiệp Đăk Lăk đã tăng cường các hoạt động hội chợ, hội thảo giới thiệu, quảng bá mặt hàng sầu riêng Đăk Lăk, để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, cùng với tuyên truyền quảng bá sầu riêng Đăk Lăk tiêu thụ trong nước thì vấn đề quan trọng nhất mà ngành nông nghiệp của tỉnh đang triển khai đó là tuyên truyền, vận động cho bà con nông dân và doanh nghiệp trồng sầu riêng thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài.
Việc Trung Quốc đại lục đóng cửa xuất khẩu qua tiểu ngạch, nguy cơ sầu riêng dư thừa là chuyện có thể xảy ra.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê Phước An, Trương Quang Tuấn cho biết, hiện nay công ty có trên 400ha sầu riêng với trên 500 hộ tham gia nhận khoán chăm sóc và hưởng lợi. Trước việc thị trường Trung Quốc không cho xuất khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch, thời gian qua công ty và người dân đã xây dựng vùng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng chứng nhận vùng trồng. Không chỉ ngành chức năng Đăk Lăk đang rốt ráo bắt tay vào xây dựng vùng sầu riêng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch mà người dân và doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk cũng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, các ngành chức năng, doanh nghiệp tỉnh Đăk Lăk đã gắn mác truy xuất nguồn gốc được 11 vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Păk. Chúng tôi không chờ đến khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính thức mới triển khai làm các thủ tục, quy trình mà ngay từ bây giờ chúng tôi đã triển khai hướng dẫn người dân canh tác đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho mặc hàng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai trương trình gắn mã truy xuất nguồn gốc đó là mỗi vùng trồng phải đảm bảo diện tích trồng tập trung cùng một giống từ 7ha trở lên, trong khi đó những năm qua người dân trồng sầu riêng tại Đăk Lăk chủ yếu tự phát, mỗi hộ trồng một giống khác nhau đồng thời thường trồng xen trong vườn cà phê.
Để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch ngoài các điều kiện về quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì... thì còn phải đảm bảo sơ chế, bảo quản. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản nông sản. Số lượng doanh nghiệp sơ chế, chế biến sản phẩm quả tươi trên địa bàn đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công suất thấp, dây chuyền máy móc trang thiết bị thiếu đồng bộ nên chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn đến đánh mất lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: VITIC tổng hợp