MSCI toàn cầu giảm 0,7% trong phiên 31/8 và giảm 7% trong cả tháng 8/2015. Đây là tháng giảm mạnh nhất của MSCI toàn thế giới kể từ tháng 5/2012.

Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán cơ bản đồng giảm trong phiên ngày 31/8 và chốt tháng tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể trong phiên 31/8, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,8% và 1,1% và cùng ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2012. Ngoài ra, Dow Jones cũng giảm 0,7% và chốt tháng giảm mạnh nhất hơn 5 năm.

Trong 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, cổ phiếu năng lượng duy trì đà tăng với 1,1% nhờ giá dầu thô tại 8,8%. Có khoảng 7,8 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn 11% so với khối lượng trung bình 3 tháng qua.

Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 0,2% trong phiên 31/8 và giảm tổng 9% trong tháng 8/2015. Đây cũng là tháng giảm mạnh nhất của FTSEurofirst 300 kể từ tháng 8/2011.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng không tươi sáng hơn khi chỉ số Nikkei bất ngờ 1,3% sau 3 phiên tăng liên tiếp. Trong cả tháng 8, Nikkei giảm 8,2% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2014.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường chứng khoán chịu thiệt hại lớn nhất trong tháng 8 với mức giảm 12% sau khi đã giảm 14% trong tháng 7/2015. Đây cũng là chuỗi giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Riêng trong phiên ngày 31/8, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm 0,8 với PE ở mức 16 lần.

Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 12% trong cả tháng 8/2015, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp và cũng là tháng tồi tệ nhất gần 4 năm qua.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm chủ yếu do lo ngại các biện pháp can thiệp mới đây của chính phủ nhằm vực dậy thị trường sẽ bất thành.

Hiện tại, giới đầu tư trên các thị trường tài chính đang tập trung phân tích các số liệu kinh tế của Mỹ để dự đoán thời điểm Fed nâng lãi suất. Trong đó, báo cáo việc làm tháng 8/2015 công bố ngày 4/9 sẽ là một trong những trọng tâm chính.

Tuần trước Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer phát biểu rằng, lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng phục hồi, cho phép các nhà hoạch định chính sách có thể từ từ nâng lãi suất. Nhiều chuyên gia phân tích xem lời phát biểu này như là tín hiệu cho thấy Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 9/2015.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác đang lo ngại việc Fed nâng lãi suất quá sớm sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới vốn đang tăng trưởng trì trệ. 

Nguyễn Dung

Theo Reuters