Tổ chức MSCI dự kiến sẽ công bố quyết định có thêm nhóm cổ phiếu hạng A trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào nhóm MSCI các thị trường mới nổi (gồm 23 nước) hay không vào ngày 9/6 tới. Nếu được lựa chọn, đây có thể coi là một bước ngoặt lịch sử với chứng khoán Trung Quốc khi có thể hút thêm hàng tỷ USD vào thị trường này.

Việc lựa chọn Trung Quốc sẽ giúp tăng cường vị thế của chứng khoán châu Á trong nhóm MSCI toàn cầu. Ngoài ra nó có thể giúp phản ánh tốt hơn cục diện của thị trường chứng khoán mới nổi. 

Mặt khác, nó cũng tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư chứng khoán thị trường mới nổi bởi khi đó, khoản đầu tư của họ tập trung quá nhiều vào một khu vực – hạn chế khả năng phân tán rủi ro.

“Quá tập trung vào một thị trường, nhà đầu tư càng thu về ít lợi nhuận. Đó là vấn đề đáng nói”, Allan Conway, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán thị trường mới nổi tại quỹ đầu tư Schroder nhận định.
Thông qua các công ty niêm yết trên sàn Hong Kong, Trung Quốc hiện chiếm hơn 25% tỷ trọng trong MSCI thị trường mới nổi. Đây là tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số này, tiếp đến là Hàn Quốc với 15%, Đài Loan 13%, theo số liệu của Bloomberg.
Nếu được bổ sung vào MSCI thị trường mới nổi, ban đầu, chứng khoán Trung Quốc về lý thuyết chỉ chiếm chưa đầy 1% tỷ trọng. Tuy nhiên, theo MSCI, tỷ trọng này của Trung Quốc ở giai đoạn sau có thể lên tới 38%.
“Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hơn trong MSCI thị trường mới nổi khiến chứng khoán mới nổi toàn cầu sẽ kém hấp dẫn đi. Khi đó, thị trường mới nổi sẽ trở thành thuật ngữ dành riêng cho châu Á. Vậy tại sao phải mua chứng khoán thị trường mới nổi khi mà nhà đầu tư chỉ cần mua chứng khoán châu Á?” chiến lược gia Maarten-Jan Bakkum tại quỹ đối tác đầu tư NN nhận định.
Minh Phương
Theo Bloomberg, WSJ