12 quốc gia vừa đạt được thỏa thuận TPP tối 5/10. Nếu được ký thông qua, đây sẽ được coi là hiệp định thương mại lịch sử bởi 12 thành viên tham gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu và khoảng 1/3 thương mại toàn cầu.

Quan điểm TPP có thể ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc nghe có vẻ thuyết phục nhưng quan điểm này vẫn có thể là sai lầm với nhiều lý do khác nhau.

Thứ nhất, sẽ quá ngờ ngệch khi ai đó cho rằng có thể gạt Trung Quốc khỏi mạng lưới giao thương ưu đãi thuế quan như TPP. Mặc dù thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc đang trải qua một thời kỳ biến động, nhưng gần đây, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có hoạt động giao thương mạnh nhất thế giới. Trung Quốc cũng được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trong thập kỷ này.

Tính đến cuối 2014, Trung Quốc đã đầu tư 870 tỷ USD toàn thế giới trong nỗ lực nhằm mở rộng nguồn cung nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp. Ví dụ, Trung Quốc đã rót 3,8 tỷ USD vào Bangladesh, 17,8 tỷ USD vào Pakistan hay nói cách khác lớn hơn cả số tiền mà các nước này vay của IMF.

Trung Quốc cũng đề nghị giữ một phần dự trữ dầu thô của Angola để đổi lại đầu tư của Trung Quốc vào phát triển hạ tầng ở nước này. Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp khoáng sản khắp châu Phi. Gần đây, Trung Quốc đã khởi xướng lập ra Ngân hàng đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) với sự tham gia của 47 nước trong khu vực và 20 nước ngoài khu vực, trong đó có cả các nước tham gia TPP như Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước tham gia TPP như Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Singapore, Peru và Việt Nam. Đây có thể coi là yếu tố quan trọng cho thấy khó cô lập Trung Quốc khỏi mạng lưới ưu đãi thương mại TPP.

Hơn thế nữa, khi xét đến chuỗi cung toàn cầu, rõ ràng không thể cô lập Trung Quốc khỏi hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Với khoản tiền đầu tư đổ vào các thị trường đang phát triển, Trung Quốc có thể thiết kế, phát triển và sản xuất sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ thông qua các trung gian, qua đó họ cũng được hưởng ưu đãi thuế.

Ví dụ để đảm bảo điều khoản về xuất xứ quy định trong TPP, Trung Quốc có thể điều phối hoạt động của chuỗi cung hàng hóa may mặc bằng cách nhập khẩu bông từ Pakistan (thông qua hiệp định thương mại tự do song phương –FTA), tiếp đến thực hiện công đoạn thiết kế vải, dệt,nhuộm trong nước, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam (thông qua hiệp định thương mại tự do song phương). Nhật Bản sẽ xuất khẩu cúc sang Việt Nam (thông qua TPP). Việt Nam sẽ thực hiện công đoạn cuối cùng là may sau đó xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Australia thông qua TPP và được hưởng ưu đãi thuế quan lần lượt là 16,5%, 10,9% và 5%.

Ngay cả khi Trung Quốc không thể ký kết hiệp định thương mại tự do với 5 nước còn lại trong TPP và không tham gia TPP, Trung Quốc vẫn có thể dùng chuỗi cung của họ để thúc đẩy thương mại đa phương với mức thuế quan thấp nhất.

Một yếu tố nữa đó là, Trung Quốc chắc chắn sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn Mỹ gạt họ khỏi TPP, thay vào đó sẽ tìm cách để tạo đối trọng với TPP.
 Minh Phương
Theo Forbes