Chính quyền Áo đang điều tra mạng lưới buôn người chịu trách nhiệm về cái chết của 71 người nhập cư trong xe chở gà tuần trước, thảm kịch làm dấy lên làn sóng phẫn nỗ trên toàn châu Âu. Vụ việc xảy ra đúng lúc các quan chức hàng đầu châu Âu họp mặt tại thủ đô Vienna, Áo, để thảo luận về làn sóng di cư lớn nhất đang đổ vào châu lục này kể từ Thế chiến II.

Gần một tuần sau, cả thế giới một lần nữa choáng váng khi bức ảnh thi thể bé trai Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được công bố. Aylan, anh trai Galip và mẹ, Rehan, thiệt mạng khi chiếc xuồng chở gia đình họ cùng hàng chục người di cư tới đảo Kos, Hy Lạp, bị lật. Vụ việc làm bật lên mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.

Bùng nổ di cư

Lượng người di cư năm nay gia tăng kỷ lục với con số gần 300.000, vượt xa số người năm 2014 là 217.000. Họ thông qua cửa ngõ phía nam của Liên minh châu Âu để hướng tới các nước như Đức, Áo hay Thụy Điển, những nơi mà họ nghĩ có thể hưởng một cuộc sống sung túc hơn nếu đến được.

Con số người thiệt mạng trong đất liền, dù đủ gây kinh sợ, vẫn nhỏ hơn nhiều số người bỏ mạng trên biển. Một quan chức Libya giữa tháng trước cho hay một con thuyền chở người di cư chìm ngoài khơi nước này, cướp đi sinh mạng của khoảng 200 người.

Cách đây gần hai tuần, khoảng 4.400 người được tìm thấy mắc kẹt tại kênh Sicily. Tổ chức Di cư Quốc tế mô tả những ngày qua là quãng thời gian bận rộn nhất cho công việc tìm kiếm và cứu hộ tại Địa Trung Hải. Vùng biển này đang được mệnh danh là mồ chôn dân di cư.

Nhà chức trách nghi ngờ các xác chết được tìm thấy trong xe tải ở cao tốc Áo là hệ quả của hoạt động buôn người. Hans-Peter Doskozil, cảnh sát trưởng khu vực phía đông Áo, suy đoán những người di cư chết ít nhất 36 giờ trước khi được tìm thấy. Theo Dorottya Kelemen, một nhà báo làm việc tại đài truyền hình ORF có mặt tại hiện trường, một bên chiếc xe có nhiều vết sứt mẻ. Cô cho rằng các nạn nhân đã vật lộn để tìm cách thoát ra.

Theo lời kể của Abdullah Kurdi, cha của cậu bé Aylan, anh cũng phải trả hai lần cho những kẻ buôn người để chúng đưa anh cùng vợ con tới Hy Lạp. Bọn buôn người hứa sẽ đưa cả gia đình đến nơi trên một con xuồng máy. Nhưng cuối cùng, chúng xuất hiện với một chiếc xuồng cao su mỏng manh, nhồi nhét trên đó hàng chục người.

Phát biểu tại Vienna, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói bà "rất bức xúc bởi những tin tức khủng khiếp liên quan đến cái chết của hàng chục người bởi vì họ phải kết thúc cuộc sống của mình dưới tay những kẻ buôn người vô lương tâm".

"Điều này nhắc nhở chúng ta rằng phải giải quyết vấn đề di cư một cách nhanh chóng và đồng lòng", bà Merkel nói.

 Châu Âu chật vật đối phó

Châu Âu đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn làn sóng di cư nhưng nỗ lực này gặp trở ngại bởi những bất đồng. Hồi tháng 5, các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý khởi động một chiến dịch quân sự để ngăn chặn tàu chở người di cư qua Địa Trung Hải. Nhưng kế hoạch trên lại sa lầy vào các cuộc tranh luận chưa có hồi kết tại Liên Hợp Quốc.

Ngay cả khi được chấp thuận, hoạt động quân sự trên biển cũng khó có thể phát huy tác dụng trong việc đối phó với làn sóng di cư ngày càng gia tăng dọc sườn phía đông của châu Âu, nơi những người di cư mạo hiểm tính mạng, chen chúc trên những chiếc xuồng cao su ọp ẹp, băng qua eo biển hẹp để tới Hy Lạp, sau đó đi về phía bắc, qua vùng Balkans bằng đường bộ, theo Washington Post.

Phần lớn người di cư vào châu Âu năm ngoái sử dụng cách tương tự để đến Italy, rồi di chuyển tới biên giới và tiếp cận những vùng còn lại ở châu Âu. Năm nay, trung tâm của cuộc khủng hoảng đã thay đổi. Những người di cư, chủ yếu từ Syria và Iraq, có xu hướng đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, quốc gia có rất ít chính sách hỗ trợ người di cư và tương đối tách biệt với phần còn lại của Liên minh châu Âu. Những người này sau đó sẽ tìm đường đến các nước phía tây bắc.

Thời gian gần đây, tình hình phát triển còn nghiêm trọng hơn trước. Dù chính phủ Hungary dựng một hàng rào dây thép gai dài 174 km tại biên giới với Serbia để ngăn dòng di cư nhưng họ vẫn tìm mọi cách để vượt qua "bức tường" này.

Bên cạnh việc công bố những biện pháp mới nhằm kiểm soát biên giới, chính quyền Áo cũng đưa ra một bản kế hoạch 5 điểm để giải quyết tận gốc vấn đề khủng hoảng người di cư. Trong đó, nhà chức trách đề nghị thiết lập những trung tâm tiếp nhận ở châu Phi và Trung Đông để các quốc gia châu Âu có thể đánh giá các yêu cầu tị nạn tại đây.

Giới chuyên gia tin rằng trung tâm này sẽ góp phần ngăn chặn người tị nạn tham gia vào những chuyến di cư mạo hiểm. Ngoài ra, các lãnh đạo châu Âu cũng đang cố gắng để đạt được đồng thuận trước kế hoạch xây dựng một hệ thống hạn ngạch, theo đó, người di cư sẽ được thực hiện các thủ tục từ những điểm nhập cảnh như Hy Lạp để sang các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu một cách an toàn hơn. Tuy nhiên, một số nước vẫn chưa đồng tình, trong đó có Anh.

Theo Trọng Nghĩa

VnExpress

Nguồn: VnExpress