Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã thúc giục các quốc gia trên thế giới nhanh chóng giải quyết vấn đề bất bình đẳng về tài sản vì hiện nay, 85 người giàu nhất đang nắm 50% tài sản của thế giới. |

Ông cho biết việc thực hiện chính sách này sẽ giúp cho 40% người sống dưới mức nghèo khổ ở các nước đang phát triển.

Ông Kim đã mô tả một quá trình gồm 3 bước để giảm bất bình đẳng: phát triển kinh tế, đầu tư vào con người, thiết lập mạng lưới an toàn để giảm rủi ro nghèo khổ. 

Ông Kim cũng cho rằng, các chiến lược giữa các quốc gia là khác nhau.
"Một đất nước có thu nhập thấp sẽ cần đến năng suất nông nghiệp. Các nước có thu nhập ở tầm trung có thể tập trung nhiều hơn về đô thị hóa, xây dựng các thành phố an toàn, sạch sẽ và lành mạnh. Đối với các quốc gia mà hầu hết trẻ em không đi học tiểu học thì đây là mục đích hàng đầu phải được thực hiện ngay lập tức", ông Kim nói.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tăng trưởng kinh tế phải kèm theo tiền lương và công việc tăng. Tăng trưởng kinh tế cũng được xem là yếu tố quan trọng để giúp giảm đói nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong vòng 50 năm qua. 

Tuy nhiên, ông Kim nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế vẫn không đủ để giảm bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng hiện nay. Phát biểu tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ  ở Washington, ông Kim đã trích dẫn một nghiên cứu gần đây của OXFAM và cho biết 85 người giàu nhất đang nắm 50% tài sản của thế giới.

"Chúng tôi cần phải tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mà nâng mức sống của những người nghèo nhất lên chứ không phải bồi đắp nhiều của cải cho những người giàu nhất", ông Kim nói.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, ông Kim cho biết, các quốc gia cần phải làm mọi thứ để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó bao gồm việc ban hành các cải cách, chẳng hạn như loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Một bước quan trọng là xây dựng chính sách thu thuế công bằng hơn và minh bạch hơn. 

Tuy nhiên, ông Kim cho biết, đầu tư vào con người, đặc biệt là giáo dục và y tế, có thể là một trong những hoạt động quan trọng nhất để giúp các nước tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất chính chính là bảo đảm cho người dân có khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế toàn cầu.

"Chỉ khi nào tất cả mọi người trên thế giới có thể nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giữ gìn sức khỏe thì chúng ta mới có thể thực sự nghiêm túc nói về bình đẳng", ông Kim nói.

Ông Kim cho biết, đối với mỗi đô la đầu tư vào chăm sóc sức khỏe thì lợi nhuận thu về sẽ gấp 10 lần. Những sáng kiến bảo hiểm y tế đã chiếm 24% trong tất cả các quốc gia có thu nhập bậc trung và thấp.

Theo Tuyết Nhung
Một thế giới

Nguồn: Một thế giới