Báo chí trong nước vừa dẫn bài phân tích của nhà báo Andrew Critchlow trên báo Telegraph của Anh cho biết, sau các cuộc oanh kích của Nga ở Syria không lâu nữa, nhiều khả năng giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ dao động mạnh.

Ông nhấn mạnh, hai cuộc chiến mà Nga tham gia là Afghanistan trước đây và Syria những ngày gần đây có một điểm rất chung đó là dầu mỏ.

Nhà báo này cho rằng, dầu mỏ đóng góp một trong những vai trò rất lớn trong các quyết định tấn công quân sự (tất nhiên, điều này cũng giống với Mỹ khi tham gia chiến tranh ở Trung Đông).

Năm 1979, các xe tăng chiến đấu của Nga xuất hiện và lăn bánh tại thủ đô Kabul. Khi đó, giá dầu bắt đầu tăng vọt lên khoảng 110 USD một thùng barrel.

Cùng thời gian ấy, cuộc cách mạng Hồi giáo diễn ra ở Iran đã khiến cho vòng cương tỏa của phương Tây đối với nguồn năng lượng dầu mỏ ở Trung Đông suy yếu hẳn.

Giá dầu thô tăng cao khi Liên Xô tham chiến ở Afghanistan đã giúp cho khối đồng minh có được những lợi thế và khả năng đối đầu với phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Người dân Liên Xô khi ấy cũng được chính quyền chu cấp tốt hơn từ khi giá dầu tăng cao.

Andrew Critchlow cho rằng, tình thế năm xưa nay vẫn có thể đúng bởi đến nay, thu nhập ngoại tệ chính của Nga vẫn chiếm khoảng 70% tiền từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Nhích từng ngày

Theo WSJ, ngay sau khi Nga khởi động chiến dịch không kích tại Syria ngày 30/9, giá dầu thô trong phiên sau đó đã nhích lên. Sự can thiệp này, được nghị sĩ Nga tiết lộ có thể kéo dài 3-4 tháng, nhiều khả năng khiến cục diện địa chính trị tại vùng Trung Đông giàu dầu mỏ thay đổi.

"Chúng ta cần bắt đầu tính tới rủi ro địa chính trị trong giá dầu", Olivier Jacob, nhà phân tích tại công ty Petromatrix, Thụy Sĩ nhận định.

Còn tờ Washington Times nhận định, sự can thiệp của Nga và Syria khiến nhiều người đặt ra nghi ngờ mục tiêu của ông Putin là thúc đẩy một cuộc cạnh tranh giữa Iran và Arab Saudi, nhằm kích hoạt sự hồi sinh của giá dầu thế giới.

Stephen Green, cây bút trên Pjmedia cho rằng, với sự hiện diện ngày càng tăng của Nga tại Syria và quan hệ đối tác của nước này với Iran, Arab Saudi đang phải đối mặt với một thế giới mới và không mấy thân thiện.

"Không thật sự tin tưởng rằng Mỹ sẽ hỗ trợ mình, Arab Saudi có thể cảm thấy bắt buộc phải nhượng bộ trước áp lực kêu gọi giảm sản lượng dầu từ Nga và Iran. Điều này sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho tất cả các nước OPEC, khiến họ giảm sản lượng và khiến giá dầu tăng", Green viết.

Hiện Moscow đang chuẩn bị sẵn sàng để gặp các nhà sản xuất dầu OPEC và không thuộc OPEC để thảo luận về thị trường dầu mỏ. Một cuộc họp riêng giữa các quan chức Nga và Arab đã được lên kế hoạch vào cuối tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết.

Trong phiên giao dịch ngày 7/10 tại châu Á, giá dầu kỳ hạn tiếp tục đà tăng sau khi kết thúc một tháng giao dịch ở mức dưới 50 USD/thùng phiên trước nhờ dự báo cho thấy sự dồi dào về nguồn cung có thể giảm bớt.

Sau khi vượt mức 50 USD/thùng lần đầu tiên trong một tháng trong phiên trước, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ lên 52,67 USD/thùng vào lúc 0619 GMT.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 1,04 USD/thùng lên 49,57 USD/thùng.

Theo An Nhiên

Báo Đất Việt

Nguồn: Báo Đất Việt