Trong báo cáo Beige Book mới nhất về tình hình kinh tế Mỹ, các nhà hoạch định chính sách Fed bày tỏ quan điểm lạc quan về tình hình tăng trưởng của Mỹ từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8/2015.

Có 11 trong 12 ngân hàng khu vực thuộc Fed đều nhận thấy rằng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ở mức trung bình trong giai đoạn từ tháng 7 đến giữa tháng 8. Riêng bang Cleveland báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại trong cùng kỳ.

Kinh tế giữ được đà tăng trưởng nhờ doanh số bán nhà và ôtô tăng mạnh trong suốt mùa hè.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ lại chịu áp lực lớn từ tình trạng giá dầu thô lao dốc, đà tăng giá của USD và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Beige Book đưa ra bức tranh tăng trưởng sản xuất không đồng nhất tại 10 khu vực. New York và Kansas là 2 thành phố duy nhất ghi nhận lĩnh vực sản xuất suy yếu.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Boston, Philadelphia, Cleveland, Richmond và Dallas bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá của USD và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Đây cũng là 2 yếu tố kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ gỗ của San Francisco, chất hóa học của Boston và sản phẩm công nghệ cao của Dallas.

Ngoài ra, Kansas và Dallas cũng chịu nhiều áp lực từ lĩnh vực dầu mỏ khi giá dầu thô liên tục giảm mạnh.

Một áp lực lớn khác của kinh tế Mỹ là việc tăng lương cho nhân viên, đặc biệt trong thời điểm thị trường lao động bị thắt chặt. Tăng lương sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân; nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ kéo theo nhu cầu tuyển dụng.

Beige Book cho biết, hầu hết các thành phố đều ghi nhận mức lương khá ổn định nhưng tốc độ tăng lương vẫn chậm chạp.

Tăng lương vẫn là một mục tiêu chính mà kinh tế Mỹ chưa đạt được từ sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2009.

Đây sẽ là một trong những tiêu điểm chính được chú ý trong báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ. Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo này vào ngày 4/9.

 Nguyễn Dung

Theo Reuters