Esmeralda Ronquillo thường ngủ không ngon giấc vào ban đêm do lo sợ không kịp để bảo vệ cô con gái nhỏ nếu siêu động đất xảy ra như các chuyên gia cảnh báo có thể khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

“Chỉ cần nghĩ đến thôi tôi đã thấy khiếp sợ. Không ai biết khi nào động đất xảy ra, tôi chỉ còn biết cầu Chúa bảo vệ chúng tôi”, Ronquillo, người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ.

Những người dân Philippines như cô Ronquillo đều chưa sẵn sàng cho biến cố lớn như vậy. Ronquillo cho biết, các thanh tra của chính phủ đã không ngó ngàng tới tòa nhà cũ kỹ 1.000m2 nơi gia đình cô sinh sống.

Renato Solidum, người đứng đầu Viện Địa chấn và Núi lửa Philippines cho biết, một đường đứt gãy dài 100km cắt qua ít nhất 6 thành phố ở Manila và 4 tỉnh lân cận. Chuyển động của đường đứt gãy này có thể gây ra trận động đất 7,2 độ richter. Đường này dịch chuyển 400 năm 1 lần, và lần gần đây nhất là vào năm 1658.

Một trận động đất mạnh có thể khiến ít nhất 31.000 người thiệt mạng, phá hủy 1/3 nhà cửa ở Manila và khiến kinh tế Philippines thiệt hại ít nhất 2,3 nghìn tỷ peso (51 tỷ USD).

Theo khảo sát của hãng nghiên cứu Verisk Maplecroft của Anh, 8 thành phố Philippines nằm trong top 10 thành phố đối mặt với rủi ro thảm họa thiên nhiên, như cháy rừng, núi lửa, sạt lở đất.

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra 90% trận động đất của thế giới, Philippines không còn xa lạ với thảm họa thiên nhiên. Năm 2013, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter ở tỉnh Bohol, miền trung Philippines khiến hơn 200 người thiệt mạng, phá hủy hơn 70.000 nhà cửa. Năm 1990, khoảng 2.000 người thiệt mạng sau trận động đất 7,8 độ richter ở đảo Luzon.
Minh Phương
Theo Bloomberg