Tình hình kinh tế Trung Quốc trở nên “thiếu nhiệt” khiến giới đầu tư toàn cầu chìm trong tâm lý lo sợ. Bên cạnh đó, nhằm trấn an nhà đầu tư, chính phủ nước này luôn tìm cách giải quyết “núi” nợ chính phủ trong nước – hậu quả của tình trạng chi tiêu “phóng túng” từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008.

Theo tính toán của cơ quan kiểm toán nhà nước Trung Quốc, nợ chính phủ trong nước đã chạm mức 17,9 nghìn tỷ NDT (2,9 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng 6/2013. Trong đó, Tân Hoa xã dự báo, tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương sẽ ở mức 86% GDP địa phương.

Nợ trong nước của toàn chính phủ Trung Quốc đạt 15,4 nghìn tỷ NDT vào cuối năm 2014. Theo kế hoạch mới đưa ra, các chính quyền địa phương nước này sẽ được phép tăng nợ công khoảng 600 tỷ NDT trong các tháng còn lại của năm 2015.

Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc đã cho phép các chính quyền địa phương hoán đổi 1 nghìn tỷ NDT các khoản nợ đáo hạn, lãi suất cao sang dạng trái phiếu địa phương mới nhằm giảm bớt chi phí lãi suất, tuy nhiên, nhu cầu đối với các trái phiếu này vẫn còn yếu.

Nợ chính phủ, là một phần thuộc nợ công hoặc nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay. Nợ chính phủ thường được phân loại gồm nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước). 

Theo Đỗ Tuấn

VnMedia

Nguồn: VnMedia