Xin ông đánh giá về những kết quả xuất khẩu đã đạt được của ngành dệt may Việt Nam từ đầu năm tới nay?

Khi bước vào năm 2017, các DN dệt may Việt Nam đã lo lắng rất nhiều bởi những tác động như việc ký kết TPP với Mỹ không đạt như kỳ vọng, hậu Brexit của Anh vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường… Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu dệt may trong 10 tháng qua cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn tương đối ổn định với kim ngạch gần 23 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ. Trong hai tháng còn lại các đơn hàng và khách hàng của các DN để đã đã ổn định, với đà này, chúng tôi kỳ vọng năm 2017 ngành dệt may sẽ cán đích 30,5 - 31 tỷ USD giá trị kim ngạch như kế hoạch đã đề ra.
Mặc dù thuận lợi là vậy nhưng ngành dệt may cũng gặp phải không ít thách thức như giá xuất khẩu có lúc giảm, phải cạnh tranh không có lợi thế với các nước trong khu vực (chi phí giá thành sản phẩm của ngành dệt may đang cao hơn các nước Campuchia, Myanmar... ). Đây là bài toán khó, buộc các DN trong ngành phải ngày một cải thiện tay nghề lao động, khai thác công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu khách hàng và bắt kịp xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.
Xin ông cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may tại các thị trường hiện nay?
Theo đánh giá của chúng tôi, trong 10 tháng đầu năm nay, 3 thị trường lớn xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn có sự ổn định. Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, dù không đạt được thỏa thuận ký kết TPP nhưng ngành dệt may vẫn đạt 10,2 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế đến là thị trường EU đạt 3,06 tỷ USD, tăng 5,7%; Nhật Bản đạt 2,52 tỷ USD, tăng 6%. Thị trường Hàn Quốc cũng đã có sự tăng trưởng mạnh và đứng ở vị trí thứ 4 với kim ngạch đạt khoảng trên 2,3 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ. Ở các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hy Lạp... tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng khá ổn định.

 

Hiện tại một số khách hàng của Việt Nam đang có xu thế chuyển đơn hàng qua các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Tôi cho rằng DN dệt may Việt Nam vẫn hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, không lo mất đơn hàng sang các thị trường khác. Cụ thể, nhờ tay nghề của lao động ngày một nâng cao, năng suất được cải thiện, chất lượng ngày càng tốt hơn và quan trọng là uy tín của DN với các đối tác mua hàng nên có những DN lớn đặt hàng chục triệu sản phẩm thì họ sẽ chọn Việt Nam còn đơn hàng nhỏ mới qua nước bạn. Điều đáng mừng nữa là hiện nay các DN trong ngành đang từng bước đầu tư công nghệ mới, thiết bị tự động, nâng cao năng suất... để làm sao có lợi nhuận tốt hơn. Từ đó dùng lợi nhuận tái đầu tư cho công nghệ mới, bắt kịp xu hướng phát triển nhanh của thế giới.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay của DN dệt may Việt Nam chính là thuế đất, bảo hiểm, phí nhân công... nên dù kim ngạch doanh thu có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Trong khi đó, tại Campuchia mọi chi phí đầu vào từ nhân công, thuế... lại thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Đây được cho là bất lợi lớn nhất và chúng tôi rất cần sự cải thiện chính sách, môi trường của nhà nước để tạo thuận lợi hơn cho ngành dệt may phát triển.
Ông có dự báo gì về triển vọng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2018?
Năm 2017 không có nhiều thuận lợi, nhưng tăng trưởng của ngành vẫn đạt mức khả quan. Hiện tại các DN đang chạy nước rút để hoàn tất các đơn hàng đã ký với đối cũng như các kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó nhiều DN đã có đơn hàng nhất định cho quý I/2018. Do đó, chúng tôi dự báo năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở 2 con số.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn:Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử