Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được phép sở hữu nhà ở với thời hạn 50 năm. Nếu nhà đầu tư là Việt kiều chỉ cần được phép nhập cảnh sẽ được sở hữu không hạn chế về số lượng nhà.

Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài cũng có quyền sở hữu nhà phục vụ công việc của mình. Hơn thế, luật cũng cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu nhà đầy đủ hơn qua việc họ được quyền góp vốn, cho thuê, cho mượn, ủy quyền quản lý…

Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, dự đoán rằng thị trường sẽ ghi nhận thêm các dự án hạng sang và cao cấp, do các chủ đầu tư nắm bắt cơ hội thị trường. Bên cạnh đó, xét trong dài hạn, với các quy định và luật lệ mới, thị trường dự kiến sẽ trở nên minh bạch hơn với các đối tượng tham gia, đặc biệt sẽ có sự góp mặt của các chủ đầu tư nước ngoài.

Nhận định về phân khúc nào sẽ được khách hàng nước ngoài chú ý nhiều nhất, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc CBRE, nhận định người nước ngoài thường sẽ tập trung vào các phân khúc gần trung tâm, những sản phẩm chất lượng và mang tầm quốc tế. Việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại những tác động đáng chú ý đến thị trường, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.

Ngoài ra, theo thông tin, hồ sơ mà CBRE thu thập được, khách hàng nước ngoài thường rất quan tâm đến lịch sử của chủ đầu tư Việt Nam, đặc biệt về lai lịch các dự án đã từng triển khai, kinh nghiệm, dịch vụ, chăm sóc khách hàng...

Bà An cũng cho rằng với những chủ đầu tư nước ngoài, thị trường tại TPHCM và Hà Nội đang có sức hút rất lớn, do có giá thành rẻ hơn các thị trường cùng khu vực như HongKong hay Singapore, hứa hẹn cho lợi nhuận 5 - 7 %. Đây chính là lợi thế của BĐS Việt Nam khi cạnh tranh với các thị trường trong khu vực.

Tuy nhiên, theo bà An, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về luật cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS ở Việt Nam chưa rõ ràng, ví dụ như việc họ có phải chịu thêm thuế, điều kiện được mua ra sao, được sở hữu bao nhiêu bất động sản, phân khúc cụ thể...

Luật Nhà ở 2014 quy định người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong 1 khu dân cư, tương đương 1 đơn vị hành chính cấp phường. Phó Giám đốc CBRE băn khoăn khi những chủ đầu tư này hết thời hạn 50 năm và muốn bán, sang nhượng tài sản của mình thì khi đó quy định của pháp luật sẽ như thế nào?

"Những yếu tố luật chưa rõ ràng sẽ khiến có những sự thăm dò nhất định của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam. Bản thân các chủ đầu tư trong nước khi có chính sách bán cho người nước ngoài cũng đang phải để trống rất nhiều điều khoản trong hợp đồng", - bà Nguyễn Hoài An nhận định.

Bà An cho rằng mức độ tác động của Luật tích cực đến đâu còn tùy thuộc các văn bản dưới luật, hướng dẫn cho các đối tượng áp dụng thực thi dễ dàng nhất.