Thị trường thế giới:
Tình hình chung:
Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) thông báo bắt đầu quá trình xem xét lại thuế chống bán phá giá đối với cao su chloroprene nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 10/5/2016. Theo thông báo trên trang điện tử của MOC, quá trình xem xét này sẽ kéo dài đến ngày 09/5/2017 nhằm điều tra xem việc bán phá giá sẽ gây tổn hại đến ngành công nghiệp sản xuất cao su chloroprene trong nước như thế nào nếu thuế chống bán phá giá hết hiệu lực. Ngoài ra, trong suốt thời gian xem xét, các biện pháp chống bán phá giá này sẽ vẫn có hiệu lực. Từ tháng 5/2005, MOC đã áp thuế chống bán giá phá đối với giá cao su chloroprene nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU trong biên độ từ 2% đến 151% với thời hạn 5 năm. Đến năm 2011, thuế này được gia hạn thêm 5 năm nữa và hết hiệu lực vào ngày 09/5/2016. Cao su chloroprene, còn được gọi là Neoprene, được sử dụng chủ yếu để sản xuất dây cáp điện và các sản phẩm chống thấm nước.
Hiệp định thương mại ASEAN – Ấn Độ (AIFTA) đã có ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại về cao su và các sản phẩm từ cao su của Ấn Độ, ảnh hưởng đến chiến lược thương mại quan trọng về sự liên kết phân khúc sản phẩm của ngành cao su trong nước. Việc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt là cao su thiên nhiên, đã vô hiệu hóa lợi thế của Ấn Độ trong việc xuất khẩu cao su thành phẩm, dẫn đến sự mất cân đối về thương mại trong kế hoạch mục tiêu doanh số xuất khẩu điều chỉnh là 866,9 triệu USD thời kỳ hậu AIFTA.
Theo kết quả từ nghiên cứu “FTA ASEAN – Ấn Độ và cán cân thương mại của Ấn Độ về cao su và các sản phẩm từ cao su: đánh giá sơ bộ “, được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Cao su Ấn Độ (RRII), thâm hụt thương mại trong cao su và các sản phẩm từ cao su với ASEAN đã lập kỷ lục từ 98,8 triệu USD trong giai đoạn 2004 – 2009 lên đến 611,6 triệu USD giai đoạn 2009 – 2014.

Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:

Thị trường cao su kỳ hạn Tocom (Nhật Bản) tiếp tục đà giảm giá trong tháng 5/2016 do các nguyên nhân sau: lo ngại về nhu cầu chậm chạp tại khách mua hàng đầu – Trung Quốc, giá dầu suy yếu và đồng yên tăng mạnh. Hợp đồng benchmark tháng 10/2016 cuối phiên giao dịch 23/5 tụt xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, chỉ còn 155,8 yên/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ ngày 29/2. Xu hướng này được cải thiện trong phiên giao dịch tiếp theo (24/5) khi giá đóng cửa hợp đồng benchmark tháng 10/2016 tăng nhẹ lên 156,3 yên/kg, song đã quay đầu giảm xuống mức 155,1 yên/kg vào cuối phiên 25/5. So với mức giá đầu tháng (2/5) là 187,5 yên/kg, hợp đồng benchmark tháng 10/2016 đã mất 32,4 yên.
Các hàng hóa công nghiệp châu Á bao gồm, thép, quặng sắt và cao su đều giảm do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế của hai nước xuất khẩu lớn nhất khu vực, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đồng yên tăng do kỳ vọng Nhật Bản sẽ làm suy yếu tiền tệ sau cảnh báo mới bởi Mỹ vào tuần trước chống lại sự can thiệp. Đồng đô la Mỹ giao dịch ở mức 109,26 yên vào đầu phiên 24/5.
Trung Quốc công bố số liệu về đầu tư, sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 4/2016 tăng chậm hơn so với dự kiến, làm gia tăng lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tăng trưởng sản lượng của các nhà máy suy giảm, cũng như đầu tư tài sản cố định cả hai đều thấp hơn so với kỳ vọng.
Việt Nam:
Tình hình trong nước:

Giá cao su trong nước diễn biến giảm trong 20 ngày đầu tháng 5/2016, với mức giảm mạnh nhất được ghi nhận vào ngày 16/5, sau đó hồi phục nhẹ trở lại. Cụ thể, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến như sau: cao su SVR3L giảm từ 34.200 đ/kg (4/5) xuống chỉ còn 30.400 đ/kg (16/5), và tăng nhẹ lên 33.400 đ/kg (18/5); cao su SVR10 giảm từ 32.600 đ/kg xuống còn 28.800 đ/kg và tăng trở lại 29.300 đ/kg. Trong khi đó, mủ cao su dạng nước tại Bình Phước đã cho khai thác được 3 tuần, mức giá thu mua giữ ổn định ở mức 10.240 đ/kg (mủ tạp 32 độ/kg).

Tại cửa khẩu Móng Cái, giá xuất khẩu cao su thiên nhiên sơ chế giảm nhẹ trong 20 ngày đầu tháng, từ 10.234 NDT/tấn xuống còn 10.200 NDT/tấn. Nhu cầu về mặt hàng cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp ô tô của Trung Quốc đang tăng đáng kể so với cuối năm 2015. Từ hai tháng nay, cao su thiên nhiên Việt Nam xuất khẩu đạt khối lượng hơn 58.000 tấn. Chủng loại sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế của Việt Nam đưa sang cảng Thanh Đảo gồm các loại sơ chế đóng bánh 33,3kg (SVR 3L, SVR5, SVR L, SRV CV50, SRV CV60, SRV10, SRV20), sơ chế hỗn hợp, sơ chế tiêu chuẩn Serum, tiêu chuẩn Latex.
Cao su tiểu điền trước đây chỉ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhưng hiện nay phía cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấm biên. Do đó, cao su tiểu điền hiện phải bán mủ nguyên khai cho các công ty, đơn vị quốc doanh để chế biến ra sản phẩm xuất khẩu. Biện pháp tháo gỡ khó khăn này cho thấy hiệu quả, giúp người trồng yên tâm sản xuất. Tuần qua, sản lượng cao su thiên nhiên sơ chế xuất sang cảng Thanh Đảo đạt 6.800 tấn, tăng 4,6% so với tuần trước.
Tình hình xuất nhập khẩu:
Giá cao su xuất khẩu trên thị trường trong nước hiện ở mức 40,4 triệu đồng/tấn, tăng 12,4 triệu đồng/tấn, tương đương 44% so với mức giá của ngày 15/1/2016. Cụ thể, giá cao su (FOB) chào bán ngày 13/5 cho sản phẩm SVR CV là 40,4 triệu đồng/tấn, SVR L gần 38 triệu đồng/tấn, SVR 10 gần 31,6 triệu đồng/tấn, SVR 20 gần 31,5 triệu đồng/tấn, tăng trung bình 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với ngày 11/5. So với ngày 15/1, loại SVR CV chỉ có 28 triệu đồng/tấn, SVR L 26,87 triệu đồng/tấn, SVR 10 23,8 triệu đồng/tấn, SVR 20 gần 23,7 triệu đồng/tấn. Như vậy, trong vòng 5 tháng qua, giá cao su đã tăng khá mạnh, trên 40%. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sau khi Thái Lan – một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cao su – cho biết sản lượng của nước này giảm 50%. Điều này, ít nhiều đã khiến cao su tăng giá trong thời gian qua. Một lý do nữa là thời gian qua, tiêu thụ săm lốp ô tô trên thế giới có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, sự tăng giá dầu cũng kéo giá cao su tăng lên.
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 5 năm 2016 đạt 79 nghìn tấn với giá trị đạt 189 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm 2016 đạt 391 nghìn tấn và 561 triệu USD, tăng 20,5% về khối lượng và tăng 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1.193 USD/tấn, giảm 16,67% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016, chiếm 63,04% thị phần. Bốn tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 29,81% nhưng thị trường Ấn độ giảm 2,27% so với cùng kỳ năm 2015.
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 5/2016 đạt 33 nghìn tấn với giá trị đạt 52 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2016 đạt 157 nghìn tấn với giá trị đạt 235 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng nhưng vẫn giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2016 từ các nước như Hàn Quốc (chiếm 20,6%), Nhật Bản (16%) và Cam-pu-chia (10,2%). Trong 4 tháng đầu năm 2016, giá trị nhập khẩu cao su tăng mạnh nhất tại một thị trường Đài Loan (tăng 24,5% về mặt giá trị), tiếp đền là thị trường Ma-lai-xia (tăng 16,2%). Thị trường có gì trị nhập khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2016 giảm mạnh nhất là thị trường Nga (giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2016 đã giảm 41,7%.

Tài liệu tham khảo: 

Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT

CSDL giá nông sản PMARD của CIS
Tin Reuters

Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

Nguồn: Nguyễn Lan Anh/thitruongcaosu.net