Đó là nhận định của ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý quỹ Mekong Capital, xu hướng mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới.
"Dựa vào các cuộc họp với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tôi nhận thấy, xu hướng M&A sẽ tiếp tục sôi động", ông Chris Freund nói thêm.
Theo đó, sự sôi động đang trải đều ở tất cả các lĩnh vực, trước hết là bất động sản, rồi đến nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm… Tất cả khách hàng nước ngoài mà Mekong Capital gặp gỡ đều quan tâm đến những lĩnh vực này.
Cùng chung nhận định trên, ông Lê Hoàng, Giám đốc tư vấn tài chính và mua bán doanh nghiệp thuộc Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tích cực, việc tham gia TPP, AEC và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), cũng như việc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết tiếp tục khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các thương vụ M&A.
Chúng tôi kỳ vọng vào sự gia tăng số lượng giao dịch M&A bởi các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước, đặc biệt là trong ngành bất động sản, bán lẻ công nghiệp sản xuất và hàng tiêu dùng”.
Báo cáo tại Diễn đàn M&A năm 2016 diễn ra tại TP.HCM hôm nay, cho thấy nhìn tổng thể trong 20 thương vụ M&A nổi bật trong năm 2015 và nửa năm đầu 2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm áp đảo với 16/20 thương vụ M&A.
Còn xét về tổng giá trị, trong năm 2015, trong 10 thương vụ lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,542/1,846 tỷ USD để mua lại các dự án, doanh nghiệp Việt Nam. Con số này trong nửa đầu năm nay là hơn 3,695/3,782 tỷ USD. Như vậy, khối ngoại đang “áp đảo” khối nội trong hoạt động M&A thời gian gần đây.
Nhật Bản là quốc gia có tổng số thương vụ nhiều nhất trong 2 năm 2015 - 2016 với 35 thương vụ và đứng thứ 2 về tổng giá trị, đạt 728 triệu USD. Ngoài các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng, các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất chú ý đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Năm 2015 - 2016, Nhật Bản góp mặt với các thương vụ rất đáng chú ý như JX Nippon Oil & Energy mua lại 8% cổ phần của Petrolimex, Tập đoàn Creed Group chi 200 triệu USD mua 20% Dự án An Gia Investment, ANA Holdings chi 108 triệu USD mua 8,77% cổ phần của Vietnam Airlines, Taisho bỏ 100 triệu USD mua 24% cổ phần của Dược Hậu Giang… Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về số lượng các thương vụ M&A từ Nhật Bản trong 2 năm 2015 và 2016.
Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn đến ngành xây dựng và bất động sản tại Việt Nam. “Chúng tôi đã nhận được số lượng ủy thác ngày càng lớn và vẫn thường tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến người tiêu dùng”, ông Yoshida cho biết.
Còn các doanh nghiệp đến từ Singapore tập trung vào việc mua lại các dự án và bất động sản tại TP.HCM, như Duxton Hotel Saigon, Empire City, Somerset Vista HCMC, Kumho Asiana Plaza, Park City, An Dương Thảo Điền. Mới đây nhất, một đoàn gồm 70 doanh nghiệp đến từ HongKong cũng đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND thành phố với mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản tại đây.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho biết, ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, thì các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, HongKong, Singapore cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam. Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời.
Có thể thấy rằng, với quy định mới cho phép khối ngoại được sở hữu và đầu tư địa ốc tại Việt Nam, nhiều tòa nhà văn phòng đã hoạt động hoặc đang xây dựng đang được khối ngoại quan tâm săn lùng mua để đón đầu cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguồn: Đăng Khải/Tri thức trẻ