Mặc dù nguồn cung kim loại cơ bản sụt giảm, nhưng nhu cầu đã trở nên thiếu chắc chắn do cuộc chiến thương mại, tỷ lệ lãi suất tăng và kinh tế Trung Quốc suy yếu. Chứng khoán toàn cầu sụt giảm càng khiến các nhà đầu tư không dám rót tiền vào những tài sản có độ rủi ro cao như kim loại cơ bản. 
 Giá kim loại đang giảm chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, trong khi các yếu tố cơ bản vẫn tích cực.
Tồn trữ giảm
Một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu vượt quá nguồn cung, đó là lượng tồn kho trên toàn càu sụt giảm.
Tồn trữ đồng – kim loại thường được các nhà đầu tư ưa chuộng vì được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực xây dựng, điện và vận tải – đã giảm gần một nửa giá trị trong vòng 6 tháng qua.
Lượng nhôm lưu kho tại LME đã giảm xuống dưới ngưỡng 1 triệu tấn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2008 vì đã mất 82% kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 5,5 triệu tấn vào tháng 2/2014.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại công nghiệp số 1 toàn cầu, lượng kẽm lưu kho trên sàn Thượng Hải hiện cũng ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ.
Trong khi đó, hãng Norsk Hydro ngày 3/10/2018 công bố sẽ tạm dừng sản xuất và cho nghỉ việc 4.700 nhân công tại nhà máy luyện alumina lớn nhất thế giới, Alunorte của Brazil – cơ sở đã giảm một nửa công suất hoạt động kể từ tháng 3 do những tranh chấp liên quan đến môi trường. Alunorte năm 2017 sản xuất 6,4 triệu tấn nhôm, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu không kể Trung Quốc và đáp ứng đủ nguyên liệu cho khoảng 3 triệu tấn nhôm. Đầu năm 2018 giá nhôm và alumina trên thế giới đã tăng vọt sau khi nhà máy này cắt giảm một phần công suất sản xuất.
Đồng thời, mức cộng đối với hợp đồng physical ở một số kim loại đã tăng mạnh, cho thấy nhu cầu thực tế vẫn cao. Mức cộng giá đồng tại Trung Quốc đã tăng 75% kể từ giữa tháng 7 tới nay, lên 120 USD/tấn, trong khi mức cộng giá kẽm đã tăng gấp đôi lên 305 USD trong cùng kỳ.
Cuộc chiến thương mại leo thang
Trong khi nhu cầu kim loại nhìn chung vẫn tốt,những lo ngại về cuộc chiến thương mại đã làm méo mó thị trường này.
Dan Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa thuộc Oxford Economics cho biết: “Chúng ta đang chuyển từ một giai đoạn mà mức thuế rất thấp (sang một giai đoạn khác), nhưng trên trong lịch sử có lúc còn tồi tệ hơn rất nhiều so với thực tế hiện nay”.
Mức thuế trung bình trên toàn cầu đã từng đạt đỉnh cao trên 20% hồi chiến tranh thương mại thập niên 1930, trong khi những cuộc xung đột hiện tại mới đẩy thuế lên khoảng 3,04%, và triển vọng sẽ lên 3,76% nếu những lời “đe dọa” được thực hiện, theo nghiên cứu của Oxford Economics.
Chính phủ Trung Quốc đã hành động để ngăn chặn bất cứ tổn hại nào tới kinh tế của mình bằng cách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở cũng như nới lỏng tín dụng.
Dưới dây là kết quả thăm dò của Reuters vừa được công bố:

 

NHÔM. Giá nhôm đã giảm 12% trong năm nay do những bất ổn vĩ mô nói chung cộng thêm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp vào hãng Rusal của Nga đã được dỡ bỏ, giúp nguồn cung từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới này trở lại bình thường.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc nước tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới – Trung Quốc – đang tích cực kích thích nền kinh tế có thể giúp nhu cầu duy trì ở mức cao.
Nhà phân tích Carsten Menke thuộc Julius Baer cho biết: “Các chính sách của Trung Quốc gây sự thiếu chắc chắn về triển vọng giá kim loại, nhưng Chính phủ nước này hề muốn các lĩnh vực này tăng trưởng chậm lại khi mà nền kinh tế đang “nguội” dần”.
Dự báo giá nhôm sẽ trung bình 2.175 USD/tấn vào năm 2019, tăng 10% so với hiện nay. Thị trường dự kiến sẽ thiếu hụt 527.500 tấn, ít hơn 7,5% so với mức dự báo thiếu 570.000 tấn đưa ra hồi tháng 7.

 

ĐỒNG. Theo dự báo trung bình của 30 nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát mới đây nhất của Reuters, giá đồng giao ngay trên sàn LME năm 2019 dự báo sẽ trung bình 6.699 USD/tấn, tức là cao hơn khoảng 7% so với ngày 25/10/2018, nhưng thấp hơn 6% so với dự báo hồi tháng 7/2018.
Casper Burgering, chuyên gia kinh tế hàng hóa cao cấp thuộc ABN cho biết: “Hiện tại có quá nhiều yếu tố phi cơ bản khiến giá đồng thấp, nhưng cuộc chiến thương mại sẽ sớm dịu lại và Trung Quốc sẽ công bố những số liệu kinh tế tích cực hơn”.
Các nhà phân tích vẫn dự báo thị trường đồng sẽ thiếu cung trong năm tới, song hạ dự báo về mức thiếu hụt xuống 44.000 tấn, từ mức 151.000 tấn đưa ra hồi tháng 8. Về năm 2018, dự báo thị trường sẽ dư thừa 13.500 tấn, trong khi trước đây dự đoán là thiếu hụt 129.000 tấn, do đã không xảy ra cuộc đình công của công nhân ở mỏ đồng lớn nhất thế giới - Escondida.
Michael Widmer, nhà phân tích thuộc Bank of America Merrill Lynch cho rằng giá đồng sẽ trung bình 6.750 USD/tấn trong quý 4/2018 và 7.050 USD/tấn trong quý 1/2019.
Tuy nhiên, nhà phân tích Nicholas Snowdon của Deutsche Bank cảnh báo: “Trong khi thị trường tiếp chịu tác động từ việc nguồn cung ở Trung Quốc bị thắt chặt, thì đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại đang diễn ra”.
Capital Economics cũng dự báo giá đồng sẽ tiếp tục quanh mức khoảng 6.000 USD/tấn từ nay đến cuối năm, và hồi phục dần lên 6.500 USD/tấn vào cuối 2019.
KẼM. Kẽm nằm trong số những kim loại giảm giá mạnh nhất trong năm nay, giảm 20%, và các nhà phân tích không hy vọng nhiều vào việc sẽ hồi phục trong năm 2019.
Kim loại được sử dụng chủ yếu trong ngành mạ thép bị sụt giá không chỉ do lo ngại về kinh tế vĩ mô mà còn bởi năm tới sẽ có thêm nhiều quặng khai thác từ các mỏ cung cấp cho các nhà luyện kim khiến tình trạng thiếu cung có thể không còn nữa.
Dự báo trung bình giá kẽm tại LME năm 2019 sẽ ở mức 2.732 USD/tấn, thấp hơn 6% so với dự báo tháng 7, tuy nhiên vẫn cao hơn mức hiện tại.
“Nguồn cung kẽm từ các mỏ cho các nhà máy tinh chế sẽ tăng so với năm 2018”, nhà phân tích Edward Meir thuộc hãng môi giới INTL FCStone ở New York nhận định.
NICKEL. Các nhà phân tích có cái nhìn khá tích cực về triển vọng giá nickel, kim loại có kết quả tốt nhất trong nhóm từ đầu năm tới nay. Dự báo thiếu hụt nguồn cung sẽ còn tiếp diễn trong năm 2019 và tồn trữ sẽ tiếp tục giảm sau khi lương lưu kho ở LME đã mất 40% trong 10 tháng đầu năm nay.
Nhà phân tích Daniela Corsini thuộc ngân hàng Intesa Sanpaolo ở Milan cho biết: “Chúng tôi nhận định mức thâm hụt sẽ ngày càng tăng và lượng tồn trữ sẽ ngày càng giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh trong khi nguồn cung tiếp tục hạn hẹp”.
Dự báo giá nickel gia ngay tại LME sẽ đạt 14.200 USD/tấn trong năm 2019, tăng 18% so với hiện tại.
Nguồn: CafeF, Reuters