Nga
Giá dầu cần thiết: 40 USD/thùng
Sau phiên họp cuối tuần trước tại Moscow, các quan chức của Nga và Arab Saudi thống nhất gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng sang năm 2019. Tuy nhiên, chi tiết về thỏa thuận vẫn chưa được thông qua. Tháng 11, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga hoàn toàn ổn với giá dầu loanh quanh 60 USD/thùng, và rằng nước này đã xây dựng kế hoạch chi tiêu ngân sách cho năm 2019 dựa trên kịch bản giá dầu chỉ hơn 43 USD/thùng.
Arab Saudi
Giá dầu cần thiết: 87,9 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 32%
Arab Saudi luôn là nước đi đầu trong việc tuân thủ thỏa thuận năm 2016 và cũng là nước tăng sản lượng nhanh nhất khi thị trường xuất hiện lo ngại thiếu cung vì Mỹ tái trừng phạt Iran. Quốc gia Trung Đông này đang kêu gọi các thành viên và đồng minh giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu lại lao dốc trong tháng 11. Tuy nhiên, Arab Saudi đồng thời cũng phải chịu áp lực lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, là người muốn giá dầu giảm hơn nữa.
Iran
Giá dầu cần thiết: 68,1 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 10%
Sau khi bị Mỹ tái trừng phạt, sản lượng dầu thô tháng 11 của Iran giảm 230.000 thùng xuống 3,09 triệu thùng/ngày, theo khảo sát của Bloomberg. Cũng trong tháng trước, nước này chỉ bán được dầu thô cho Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tình thế có thể sẽ thay đổi trong tháng 12 bởi Mỹ bất ngờ miễn trừng phạt cho 8 nền kinh tế, cho phép họ tiếp tục mua dầu của Iran trong 180 ngày.
Iraq
Giá dầu cần thiết: 54 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 14%
Iraq có thể là trở ngại cho OPEC+ trong lộ trình đàm phán giảm sản lượng dầu trong năm 2019 bởi nước này tăng sản lượng không ngừng. Đặc biệt từ sau khi hệ thống đường ống dẫn ở miền nam được “hồi sinh” trong tháng 11, nước này bắt đầu bơm dầu trở lại để phục vụ xuất khẩu, cũng như tăng công suất sản xuất tại các bể dầu chính ở miền bắc. Sản lượng dầu của Iraq có thể đạt 6 triệu thùng/ngày vào năm 2025, theo dự đoán của Công ty Tư vấn Wood Mackenzie, từ mức 4,65 triệu thùng/ngày của tháng 10.
Qatar
Giá dầu cần thiết: 47 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 1,8%
Sau 57 năm gia nhập, Qatar ngày 3/12 tuyên bố sẽ rời OPEC từ tháng 1/2019 để tập trung vào hoạt động sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng. Việc Qatar rời OPEC sẽ không tác động lớn vì nước này chỉ chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu của OPEC.
Libya
Giá dầu cần thiết: 132,8 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 3,4%
Libya từng được miễn giảm sản lượng trong thỏa thuận năm 2016 vì ngành dầu mỏ nước này khi đó mới đang dần phục hồi sau nội chiến. Kết quả, nước này liên tục tăng sản lượng, trung bình đạt hơn 1 triệu thùng/ngày. Doanh thu từ dầu của Libya cũng tăng mạnh nhờ xuất khẩu tăng. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Libya dự đoán doanh thu năm 2018 từ dầu sẽ đạt 23,7 tỷ USD, tăng 73% so với năm ngoái.
Nigeria
Giá dầu cần thiết: 124 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 4,6%
Nigeria cũng là nước được loại trừ khỏi cam kết năm 2016 vì nền kinh tế khi đó chịu thiệt hại lớn từ chiến tranh và đường ống bị rò rỉ. Tháng 11, Bộ trưởng Năng lượng Emmanuel Ibe Kachikwu cho biết Nigeria vẫn giữ cam kết với OPEC+ nhưng còn quá sớm để khẳng định rằng nước này sẽ tiếp tục được miễn trừ khỏi các cam kết tiếp theo. Theo đồn đoán, thành viên này của OPEC dự kiến tăng xuất khẩu loại dầu thô chính lên cao nhất 6 tháng trong tháng 1/2019.
Venezuela
Giá dầu cần thiết: 223 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 4%
Sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, sản lượng dầu của nước này đã giảm 140.000 thùng/ngày so với tháng 5, xuống 1,26 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Vì vậy, Venezuela có lý do để ủng hộ việc giảm sản lượng dầu trong năm 2019 nhằm kích thích giá phục hồi.
Algeria
Giá dầu cần thiết: 105,7 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 3,5%
Algeria phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc bán dầu khí và là một trong những nhân tố quan trọng của thỏa thuận giảm sản lượng dầu năm 2016. Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Sonatrach cho rằng nên giảm 1 triệu thùng dầu/ngày để ổn định giá. Theo ông, mức giá phù hợp đối với người tiêu dùng là khoảng 70 – 80 USD/thùng.
Angola
Giá dầu cần thiết: 78 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 4,5%
Dầu là nguồn thu lớn nhất của Angola. Trong tháng 10, ngân sách nước này đạt 36,4 tỷ USD nhờ giá dầu thô lên 68 USD/thùng. Bà Ruth Mendes, Chủ tịch Ủy an Kinh tế - Tài chính Angola, cho biết giới hoạch định luật và quan chức chính phủ từng rất lo ngại khi giá dầu thô rớt khỏi mốc này. Xuất khẩu dầu thô tháng 1/2019 của Angola được dự báo sẽ xuống thấp nhất ít nhất 10 năm.
Kazakhstan
Giá dầu cần thiết: 60,6 USD/thùng
Kazakhstan là nước sản xuất dầu lớn nhất khu vực Trung Á. Trong giai đoạn thực hiện cam kết giảm sản lượng năm 2016, nước này liên tục không đạt chỉ tiêu. Tháng 11, sản lượng dầu của Kazakhstan đạt kỷ lục 1,98 triệu thùng/ngày. Đây có thể là cơ sở mà Kazakhstan sẽ muốn dựa vào để tính toán quy mô giảm sản lượng trong năm 2019.
Kuwait
Giá dầu cần thiết: 48 USD/thùng
Thị phần nguồn cung trong OPEC: 8,4%
Kuwait là một đồng minh thân cận của Arab Saudi và luôn tuân thủ cam kết giảm sản lượng năm 2016. Tháng 11, khi được hỏi liệu có ủng hộ việc tiếp tục giảm sản lượng trong năm 2019, Bộ trưởng Năng lượng Kuwait Bakheet Al-Rashidi trả lời rằng: “Chúng tôi không quan tâm đến giá, chúng tôi chỉ quan tâm đến sự ổn định”. Trước đó, nước này sản xuất 2,76 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành/Bloomberg, Reuters