Chiến tranh thương thương mại leo thang, đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục mất giá
Theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc: "Nếu tình hình căng thẳng thương mại trên thế giới tiếp tục leo thang, đồng nhân dân tệ có thể sẽ còn mất giá do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải "bơm" dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá".
Điều này dấy lên lo ngại việc đồng nhân dân tệ giảm có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn và tràn qua nước khác, làm giảm sức cạnh trạnh sản phẩm nội địa. Mối lo ngại này càng rõ rệt hơn khi Mỹ áp hàng loạt lệnh thuế mức cao lên hàng hóa Trung Quốc, đẩy nguy cơ nước này chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường thay thế khác.
Được biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ đã tác động trực tiếp đến thị trường tiền tệ, trong đó có đồng nhân tệ.
Thống kê từ Bloomberg, giá 1 USD quy đổi là 6,8563 nhân dân tệ (CYN) hôm thứ Sáu tuần trước (10/8). Theo đó, tính đến cuối tuần tuần trước, nhân dân tệ có 9 tuần giảm liên tiếp, đánh dấu chuỗi thời gian đi xuống dài chưa từng có kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chế độ tỷ giá hiện đại vào năm 1994. Đồng tiền Trung Quốc đã mất giá khoảng 7% kể từ giữa tháng 6 năm nay.

 

Diễn biến tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD trong một năm qua. Nguồn: Bloomberg
Cùng mối quan ngại về giá nhân dân tệ giảm, ông Hoàng Hữu Chương - Tổng giám đốc Công ty Dệt may Hữu Hoàng nêu quan điểm: “Hàng dệt may Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tràn về Việt Nam với số lượng lớn. Việc tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm khiến khả năng cạnh tranh hàng may mặc của chúng tôi bị ảnh hưởng ngay tại sân nhà”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong nước.
Hàng Trung Quốc sẽ tràn về Việt Nam?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, về mặt lý thuyết khi đồng nhân dân tệ giảm giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ và tràn về Việt Nam nhiều hơn, gây bất lợi cho hàng hóa trong nước. Đồng thời, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, thực tế điều này không quá lo ngại do hiện nay tầng lớp trung lưu (middle income) đang ngày một gia tăng và họ không còn có xu hướng dùng hàng giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc. Thay vào đó, họ dùng các các mặt hàng có chất lượng cao hơn. Tầng lớp trung lưu mới chính là đối tượng chính điều khiển giá cả thị trường”, ông Thắng nhận định.
TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định: “Đây là bài toàn cung - cầu thị trường, không còn là bài toán về giá. Người Việt Nam có xu hướng không tin và cũng không thích hàng Trung Quốc nữa”.
Mặt khác, ông Thắng cho rằng, những tác động tiêu cực mới chỉ dừng lại ở dự báo và chưa biểu hiện rõ rệt. Thậm chí ngược lại, 6 tháng đầu năm ngoái, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức cao trên 60%; đến nửa đầu năm nay xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ
Đồng nhân dân tệ đem lại tác động tích cực xét trên khía cạnh giá thành nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Thế nhưng, điều này phát sinh hai vấn đề là dòng vốn đầu từ FDI có thể giảm và khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hàng hóa khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sẽ khiến mục tiêu tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khó lòng đạt được. Khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng rẻ, càng ít doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội để đầu tư”, ông Thắng nói.
Đối với mối lo ngại việc nhập khẩu hàng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo quy tắc xuất xứ, theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thì FTA cũng trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, ông Thắng nhận định: "Nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nếu được chế biến sâu thì vẫn đảm bảo việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA. Số lượng doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để hưởng thuế quan ưu đãi tăng lên đáng kể. Nếu như trước kia, tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ FTA chỉ dừng lại ở mức khoảng 30% thì đến nay con số này tăng lên 45%".
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng