Mặc dù được điều chỉnh giảm, con số dự báo 748 triệu tấn vẫn là mức cao kỷ lục, tăng 8,1 triệu tấn (1,1%) so với năm 2015. Đó là kết quả của diện tích trồng lúa tăng lên 163,1 triệu ha, trong khi năng suất vẫn ở mức 4,6 tấn/ha.
Châu Á dẫn đầu về sản lượng tăng trong năm 2016, với kỷ lục 676,5 triệu tấn, tăng 7,3 triệu tấn so với năm 2015, chủ yếu nhờ thời tiết trở lại bình thường sau mấy năm thất thường. Nhiều nước đã có đủ mưa đem lại sự thuận lợi cho việc gieo trồng ở khu vực châu Á nằm trên bán cầu nam. Ngoại trừ một số nơi vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, như Trung Quốc lục địa, các nước còn lại như Philippines, Thái Lan và nhất là Ấn Độ sản lượng đã hồi phục khi kết thúc hạn hán. Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), CH Hồi giáo Iran, Iraq, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, CHDCND Lào, Myanmar, Nepal và Pakistan cũng tăng sản lượng trong năm nay, thừa sức bù đắp cho sự sụt giảm ở Trung Quốc lục địa, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Sri Lanka và Việt Nam.

Điều kiện gieo trồng ở hầu khắp châu Phi cũng thuận lợi nên sản lượng năm 2016 ước tính tăng 5% lên kỷ lục cao 30,2 triệu tấn. Ở khu vực này, Guinea, Mali, Nigeria và Tanzania đều bội thu; sản lượng của Ai Cập hồi phục sau khi giá tăng hấp dẫn nông dân và xu hướng chuyển từ trồng bông sang trồng lúa. Sản lượng tăng ở những nước này bù lại cho sự sụt giảm ở Bờ Biển Ngà, Malawi, Mauritania, Mozambique và Zambia (chủ yếu do thiếu mưa).

Sản lượng ở Mỹ Latinh và Caribê ước tính giảm xuống mức thấp nhất 6 năm là 26,1 triệu tấn chủ yếu do mất mùa ở Argentina, Bolivia, Brazil, Ecuador, Guyana, Paraguay, Uruguay và Venezuela bởi thời tiết xấu và triển vọng lợi nhuận từ cây lúa giảm. Khu vực này gặp khô hạn đầu năm, tiếp đến là mưa bão trên toàn khu vực Trung Mỹ và Caribê. Ở Bắc Mỹ, lũ lụt hồi tháng 8 khiến sản xuất bị gián đoạn. Sản lượng tại Mỹ đã hồi phục sau đó lên mức cao thứ 2 trong lịch sử khi lợi nhuận của một số cây trồng khác giảm khiến nông dân gia tăng trồng lúa. Sản lượng ở Italia, liên bang Nga tăng sẽ góp phần làm tăng nhẹ sản lượng của châu Âu, trong khi sản lượng của Australia giảm do thiếu nước.

FAO đã hạ mức tính toán về thương mại gạo toàn cầu trong năm 2016 so với báo cáo hồi tháng 10, hạ 1,1 triệu tấn xuống 42 triệu tấn gạo, tức là giảm 6,6% so với năm 2015. Lý do bởi nhiều nước châu Á công bố nhập khẩu ít hơn mức dự tính sau khi nguồn cung trong nước tăng kết hợp với những chính sách thương mại thắt chặt hơn. Điển hình là trường hợp của Bangladesh, Trung Quốc lục địa, CH Hồi giáo Iran và Philippines. Những thị trường này là lý do chính khiến FAO phải điều chỉnh mức dự báo về nhập khẩu. Khách hàng châu Á giảm mua trong khi nhu cầu từ châu Phi chỉ hồi phục nhẹ bởi nhu cầu vẫn hạn chế năm thứ 2 liên tiếp do được mùa và nội tệ mất giá. Nhập khẩu vào châu Âu, Bắc Mỹ và nhất là Mỹ Latinh và Caribê tăng lên mức kỷ lục mới do sản lượng giảm và giá trong nước tăng. Tuy nhiên, trong mậu dịch gạo toàn cầu thì khu vực này đóng góp không nhiều.

Về nguồn cung, sản lượng của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thương mại gạo thế giới giảm trong năm 2016. Xuất khẩu gạo Việt Nam ước tính giảm xuống mức thấp nhất 7 năm một phần do sản lượng giảm, phần nữa do nhu cầu của những thị trường trọng điểm giảm sút. Ở những nơi khác, Australia, Brazil và Ấn Độ cũng bị giảm xuất khẩu. Xuất khẩu của Myanmar cũng bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát nhập khẩu gạo qua tất cả các đường biên giới. Trong khi đó, lượng tồn trữ còn nhiều tạo cơ hội cho Argentina, Pakistan, Paraguay, Thái Lan, Mỹ và Uruguay tăng xuất khẩu trong năm nay. Campuchia, Trung Quốc lục địa, Liên minh châu Âu và Liên bang Nga cũng tương tự như vậy.
Dự báo trong năm 2017, thương mại gạo toàn cầu sẽ đạt 42,9 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2016. Giá gạo rẻ khuyến khích các nhà nhậ khẩu châu Á và châu Phi mua vào, trong bối cảnh nguồn cung bị sụt giảm bởi sản lượng thấp hoặc nhập khẩu ít trong năm 2016. Nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo của 2 khu vực này vẫn bị hạn chế bởi yếu tố tỷ giá tiền tệ và chính sách kiểm soát nhập khẩu, khiến lượng nhập sẽ vẫn thấp hơn mức của năm 2014 hoặc 2015.
Triển vọng nhập khẩu vào châu Âu và Bắc Mỹ sẽ tăng, nơi nhu cầu trong nước mạnh và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017. Nhu cầu mua ở Mỹ Latinh và Caribê có thể giảm nhẹ bởi sản lượng trong nước tăng và giá gạo nội địa giảm. Trong số những nước xuất khẩu, sản lượng hồi phục sẽ cho phép Ấn Độ duy trì vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm thứ 6 liên tiếp. Australia, Trung Quốc lục địa, Pakistan, Mỹ và Việt Nam đều sẽ tăng xuất khẩu trong năm 2017, trái lại Argentina, Brazil, Campuchia, Guyana, Myanmar, Paraguay, Thái Lan và Uruguay sẽ giảm xuất khẩu do cạnh tranh khó hơn trên các thị trường.

Mặc dù điều chỉnh giảm 1 triệu tấn, tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2016/17 dự báo sẽ vượt 5,2 triệu tấn so với năm 2015/16, lên 500,2 triệu tấn. Sử dụng gạo làm lương thực sẽ tăng 1,5% lên 402,5 triệu tấn, mức tăng tập trung ở châu Á do dân số tăng, và nhu cầu ở châu Phi sau ki nguồn cung được cải thiện và giá rẻ. Khối lượng gạo trong ngành chăn nuôi và các mục đích/lý do khác (chủ yếu là hạt giống, thất thoát sau thu hoạch và sử dụng trong cong nghiệp) sẽ lần lượt ở mức 18 triệu và 79,9 triệu tấn. Trên cơ sở đó, tiêu thụ gạo lương thực trung bình người trên toàn cầu năm 2016/17 chắc chắn sẽ vượt mức trung bình 54,1 kg năm 2015/16 lên 54,2 kg năm 2016/17.

Do sản lượng dự báo thấp hơn chút ít so với sử dụng trong niên vụ 2016/17, tồn trữ gạo toàn cầu cuối năm 2016/17 sẽ giảm nhẹ 0,4% so với năm trước xuống 170,3 triệu tấn. Tỷ lệ dự trữ – sử dụng cũng giảm từ 34,2 năm 2015/16 xuống 33,5 năm 2016/17. Tồn trữ ở Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm mạnh nhất, tiếp đến là Australia. Bangladesh và Brazil. Trái lại, tồn trữ sẽ tăng ở Trung Quốc lục địa, Colombia, Ai Cập, Mỹ và Việt Nam.

Mặc dù giá gạo phụ thuộc vào xuất xứ và chất lượng, nhiều quốc gia thu hoạch lúa trong khi nhu cầu mua yếu khiến giá gạo thế giới mấy tháng qua giảm nhẹ. Chỉ số giá gạo của FAO (2002-2004=100) kể từ tháng 10 đến nay ở quanh mức 185-186. Chỉ số giá gạo Thái Lan tăng nhẹ nhờ tiêu thụ duy trì ổn đinịh và nỗ lực của Chính phủ để đẩy giá tăng lên. Chỉ số giá gạo Indica chất lượng cao của Ấn Độ tăng 1% kể từ tháng 10 đến giữa tháng 12 lên 170 điểm. Thương mại tích cực ở khu vực Viễn Đông giúp chỉ số giá Japonica tăng 2 điểm lên 219 điểm. Tuy nhiên, chỉ số giá gạo Aromatica và gạo Indica chất lượng thấp giảm 1 điểm sau khi có nguồn cung từ vụ mới đối với loại Hom Mali và nguồn cung gạo tấm bớt khan hiếm. Ước tính giá gạo quốc tế trung bình năm 2016 thấp hơn 8% so với năm 2015, phản ánh giá gạo Japonica và Aromatic giảm.

Nguồn: VITIC/FAO

Nguồn: Vinanet