Sau 3 năm liên tiếp (2013-2015) duy trì thấp ở mức trung bình khoảng 3,25 – 3,50 USD/lb, giá điều nhân trên thị trường thế giới bắt đầu tăng từ đầu quý 2/2016 (khi đó khoảng 3,55 – 3,7 USD/lb), thời điểm giá cao nhất rơi vào cuối năm 2016 đến cuối quý 1/2017 (5,1-5,3 USD/lb), và tới thời điểm hiện tại, giá ở mức 5 – 5,1 USD/lb vào tháng 10/2017. Như vậy, trong vòng 18 tháng giá đã tăng khoảng 35-40%; xen kẽ một số đợt giảm giá nhẹ, song nhìn chung xu hướng tăng chiếm thời lượng chủ đạo, nhất là vào những dịp Lễ Tết ở các khu vực trên thế giới. 
Giá điều nhân tăng do nhu cầu mạnh trong khi nguồn cung sụt giảm ở một số nước sản xuất chủ chốt khiến điều nguyên liệu tăng cao. Tính chung trong 12 tháng qua (từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017), giá điều thô tăng gần 30%, còn trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 10%.
Trong nước, người trồng điều phấn khởi vì giá thu mua điều năm nay cao kỷ lục với bình quân khoảng 50.000 đ/kg hạt khô nhập kho (giá bình quân 2016 là 38.000 đ/kg). Sau khi liên tiếp phá vỡ những kỷ lục lịch sử vào 2 tháng cuối năm 2016, giá điều tiếp tục tăng lên mức đỉnh điểm 60.000 đồng/kg với điều hạt khô và 46.000 – 50.000 đồng/kg với điều hạt tươi vào tháng 3/2017, kỷ lục cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế mạnh. Giá cao kỷ lục đúng lúc bắt đầu thời điểm thu hoạch chính vụ điều là một hiện tượng hiếm khi xảy ra. Lý do bởi nhu cầu mạnh từ các thị trường quốc tế trong khi nguồn cung nội địa hạn hẹp bởi khô hạn làm mất mùa điều. Từ tháng 4, thị trường bớt nóng, tuy nhiên hiện giá điều vẫn xấp xỉ mức cùng kỳ năm ngoái, với điều hạt tươi khoảng 23 nghìn đồng/kg trong khi điều hạt khô khoảng 45-50 nghìn đồng/kg. Những loại điều chất lượng cao vẫn được giá và bán chạy. 
Sản lượng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trong khi nhu cầu tăng mạnh
Hội đồng điều thế giới (GCC) ước tính tổng sản lượng điều toàn cầu niên vụ 2017/18 đạt 7,4 triệu tấn (điều tươi) (tương đương khoảng 3,322 triệu tấn điều thô); trong đó sản lượng tăng tại hầu hết các nước sản xuất lớn như Ấn Độ và Bờ Biển Ngà, nhưng giảm mạnh ở Campuchia, và thu hoạch bị chậm trễ ở Việt Nam, với sản lượng ở thị trường giảm tổng cộng khoảng 40%. 
Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu điều số 1 thế giới, tiếp đến Bờ Biển Ngà là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới. Ấn Độ là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. 
Điều thương mại được trồng chủ yếu ở những nơi có nhiều mưa và thời tiết ẩm ướt suốt năm như ở miền Đông Nam Việt Nam. Tuy nhiên, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, khô hạn bất thường đã khiến 18 trong số 63 tỉnh thành ở khắp Việt Nam bị khô hạn, sản lượng điều do đó bị ảnh hưởng. 
Trong khi sản lượng thất thường do yếu tố thời tiết thì nhu cầu điều thế giới không ngừng tăng mạnh bởi lợi ích về sức khỏe của loại hạt này. 
Từ 2010 tới nay nhu cầu đã tăng 53%, và trong 7 năm qua có ít nhất 4 năm nhu cầu vượt sản lượng. Số liệu mới công bố của Hội đồng Hạt và Quả khô thế giới (International Nut and Dried Fruit Council - INC) cho thấy tiêu thụ hạt điều năm 2014 lên tới 716.682 tấn, so với chỉ 469.241 tấn năm 2010, trong đó Ấn Độ tiêu thụ 240.000 tấn, Mỹ 150.000 tấn. Hạt điều mấy năm vừa qua đã vượt qua hạt óc chó và quả hồ trăn về khối lượng tiêu thụ. Nhu cầu tăng mạnh nhất ở Trung Quốc và châu Âu – 2 thị trường chiếm 70% mức tăng tiêu thụ toàn cầu - khiến nhu cầu xuất khẩu trên toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử là 503.713 tấn năm 2014. 1/4 tổng khối lượng điều xuất khẩu trên toàn cầu sang thị trường Mỹ, nơi sử dụng điều như một loại đồ ăn nhẹ hoặc dùng làm thực phẩm như thanh protein hoặc sữa điều. Ấn Độ chiếm 1/3 tiêu thụ điều toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. 
Năm nay, nhu cầu hạt điều tiếp tục tăng mặc dù giá đã ở mức cao chưa từng có. Các nhà bán lẻ ở những thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu… liên tiếp tăng giá bán lẻ nhưng lượng tiêu thụ vẫn không hề bị ảnh hưởng, bất chấp phải cạnh tranh với các loại hạt khác, như hạnh nhân và óc chó. 
Tại Ấn Độ, sản lượng hạt điều thô niên vụ 2017/18 đạt 600.000 – 700.000 tấn tấn, chiếm 23% sản lượn toàn cầu. Sản lượng vụ này ước tăng so với vụ trước nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà chế biến nhỏ tại địa phương, phần thiếu hụt phải nhập khẩu từ các nước khác. Là nước xuất khẩu điều lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên, xuất khẩu điều nhân của Ấn Độ liên tiếp giảm do tiêu thụ nội địa tăng khiến sản lượng trong nước chỉ đủ cho tiêu thụ nội địa. Thị phần nhân điều của Ấn Độ trên thị trường thế giới chiếm 23%. 
Ấn Độ là nước tiêu thụ nhân điều lớn nhất thế giới, hấp thụ trên 25% tổng cung điều toàn cầu. Tiêu dùng điều nội địa Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ 5%/năm, đạt khoảng 300.000 tấn trong năm 2017/18, gần gấp đôi lượng xuất khẩu. Thời vụ kinh doanh điều tốt ở Ấn Độ bắt đầu từ 24/7 khi bước vào tháng Shravana (tháng thứ 15 theo lịch của người Hindu), nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh. Lễ Diwali năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 19/10 và kéo dài đến 23/10.
Xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ niên vụ 2017-18 ước đạt 176.000 tấn, tăng so với mức 155.000 tấn trong niên vụ 2016/17. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao và giá trên thị trường nội địa nhiều khi còn cao hơn cả giá xuất khẩu (do nhu cầu nội địa mạnh) khiến điều Ấn Độ mất dần sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu điều Ấn Độ, Sundaran Prabha, ngành điều của Ấn Độ khó cạnh tranh bởi các lý do: (1) chi phí sản xuất cao; (2) sự hỗ trợ/khuyến khích của chính quyền bang và liên bang không đáng kể; (3) chi phí vay vốn cao; (4) sự cạnh tranh tăng lên từ các nước cung cấp khác; (5) đồng rupee Ấn Độ tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. 
Ngành điều Việt Nam vụ này lần đầu tiên sau nhiều năm bị mất mùa ở tất cả các địa phương. Do năng suất điều ở nhiều địa phương giảm mạnh nên ước tính trong năm 2017, sản lượng điều toàn quốc chỉ đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn so với năm 2016. Nguyên nhân giảm là do thời tiết bất thường làm bùng phát sâu bệnh trên cây điều. Với mức giá bình quân từ 50.000 - 55.000 đ/kg như hiện nay, nông dân trồng điều có thể chịu thiệt hại khoảng 2.600 tỉ đồng từ việc sụt giảm sản lượng trên. 
Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho thấy, năng suất điều cả nước năm 2017 dự kiến chỉ đạt bình quân 7,8 tạ/ha, giảm 0,21 tấn/ha so với năm 2016. Cá biệt có nơi năng suất chỉ khoảng 1,5-2,5 tạ/ha, thậm chí có nơi mất trắng 100%. Được biết, điều trồng trên các vùng đồi cao năng suất hạt chỉ đạt chừng 20% so với năm 2016 còn ở vùng trồng điều nông dân có kinh nghiệm năng suất ước đạt chừng 50% so với năm 2016. Vụ điều này, những cơn mưa trái mùa đúng thời điểm cây điều ra hoa, đậu trái khiến sâu bệnh phát tiển mạnh, làm cho hoa bị khô, trái mới đậu rụng nhiều làm giảm năng suất khiến nguồn cung trở nên khan hiếm đẩy giá tăng mạnh. Chất lượng điều thô cũng bị ảnh hưởng, hạt chất lượng xấu ở cả 3 giai đoạn đầu – giữa và cuối mùa (những năm trước thường chỉ xấu vào cuối mùa).
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), năm 2016, lượng hạt điều nguyên liệu đưa vào chế biến là 1,5 triệu tấn; trong đó, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 32%, còn lại 68% là nhập khẩu, tương đương hơn 1,025 triệu tấn. Ngành điều những năm gần đây luôn phải phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (chiếm đến 2/3 tổng sản lượng chế biến). Năm nay, nguồn cung nguyên liệu càng khó khăn hơn do giá thế giới cao và nhu cầu xuất khẩu manh. 
Từ nay tới cuối năm, mùa vụ điều trong nước vẫn còn 1 đợt thu hoạch để phục vụ cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu vào cuối năm nhưng sản lượng này không nhiều, không đáp ứng được số lượng mà ngành điều đặt ra. Đồng thời, nguồn nguyên liệu điều thô chất lượng thấp cũng sẽ tăng giá hơn so với trước đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 10 - 12/2017. Do đó, nhiều nhà máy sẽ giảm công suất chế biến và một số nhà máy nhỏ sẽ phải đóng cửa. Ngoài nguồn nguyên liệu được chuẩn bị trước từ hồi đầu năm 2017, toàn ngành sẽ phải nhập khẩu thêm 500.000 tấn điều thô trong 6 tháng cuối năm 2017 mới đáp ứng được các hợp đồng đã ký. 
Đã 11 năm liền Việt Nam đứng đầu thế giới về Xuất khẩu hạt điều. Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 257.000 tấn, trị giá 2,55 tỷ USD, giảm 0,2% về khối lượng nhưng tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 9.891,3 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 36,6%, 15,9% và 11,3% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Một số thị trường đang có tiềm năng lớn khi xuất khẩu sang liên tiếp tăng là Bỉ, Nga, Thái Lan, Anh, Israel, Trung Quốc, Tây Ban Nha, thậm chí cả Ấn Độ… 
Vinacas đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay là 3,3 tỷ USD, tăng 300 triệu USD (5%) so với năm ngoái. Cụ thể, Vinacas cho biết, dự kiến cả năm 2017 toàn ngành điều Việt Nam phấn đấu xuất khẩu đạt 360.000 tấn điều nhân các loại, tăng 2,8% so với năm 2016. Trong kim ngạch 3,3 ty USD có 3 tỷ USD là điều nhân, tăng 5% so với năm 2016 và phần còn lại là các sản phẩm phụ. 
Lượng điều nhập khẩu năm nay tiếp tục tăng mạnh so với năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2017 đã nhập khẩu khoảng ước đạt 1,13 triệu tấn và 2,22 tỷ USD, tăng 42,5% về khối lượng và tăng 83,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
 Bờ Biển Ngà là nhà sản xuất điều lớn thứ 2 thế giới, với sản lượng năm 2017 ước đạt kỷ lục cao 750.000 tấn (điều thô) nhờ thời tiết thuận lợi. Giá điều tại Bờ Biển Ngà năm nay cũng tăng cao. Chính phủ Bờ Biển Ngà đặt mức giá sàn cổng trại đối với hạt điều là 440 CFA francs/kg cho vụ sản xuất năm 2017, bắt đầu từ giữa tháng 2/2017, tăng so với mức 350 CFA francs/kg của năm trước. Nhưng người trồng điều cho biết họ bán được giá 650 – 800 CFA francs/kg và tại các khu vực miền Đông – nơi hạt điều được buôn lậu sang Ghana, giá điều thậm chí có khi lên tới 900 – 1.000 CFA francs/kg. 
Do giá điều thế giới cao và chênh lệch về thuế xuất khẩu giữa một số nước, các nhà xuất khẩu ước tính năm nay có khoảng 100.000 tấn điều, chủ yếu là loạ chất lượng hảo hạng, bị buôn lậu ra nước ngoài, chủ yếu sang Ghana và các nước châu Phi khác, gây thiệt hại cho xuất khẩu hạt điều từ nước sản xuất điều lớn nhất thế giới này. Ghana không đánh thuế xuất khẩu điều, trong khi Bờ Biển Ngà áp thuế 85 CFA francs (0,14 USD)/kg điều xuất khẩu. 
Campuchia cũng là một trong những nước sản xuất điều lớn với diện tích trồng loại cây này hiện khoảng 64.840 ha. Campuchia xuất khẩu một phần điều thô nguyên liệu sang Việt Nam và một số thị trường khác, và xuất khẩu điều nhân, chủ yếu sang các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Triển vọng vẫn khả quan
Mặc dù xu hướng tăng đã chững lại trong quý 2 và 3/2017 nhưng nhìn chung giá vẫn ở mức cao so với những năm trước, và triển vọng sẽ duy trì vững trong quý 4/2017 và quý 1/2018 do nhu cầu tăng trong dịp Lễ Tết cuối năm, nhất là ở châu Âu và châu Á. Nhiều chuyên gia cho biết theo thông lệ 6 tháng đầu năm chưa phải là chu kỳ tăng giá, nên vẫn có khả năng còn một đợt tăng giá nữa vào những tháng tới. Cùng với đó, giá nguyên liệu điều trong nước thời gian tới nhiều khả năng sẽ không giảm mà có chiều hướng tăng cao.
Triển vọng tiêu thụ điều trong tương lai trung và dài hạn sẽ còn tiếp tục tăng bởi lợi ích về sức khoẻ của mặt hàng này, là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển ngành sản xuất và chế biến điều. INC cho biết, thị trường các loại hạt khô toàn cầu hiện trị giá 30 tỷ USD mỗi năm, trong đó dẫn đầu là hạt điều, với tỷ trọng dự kiến sẽ tăng lên chiếm 28,91% vào năm 2021, xếp thứ 2 là hạt óc chó. Tới thời điểm đó, Châu Á- Thái Bình Dương dẫn đầu về thị trường tính theo khu vực địa lý, chiếm 92,62% thị trường quả khô (nuts).
Nguồn: Vân Chi/CafeF, Trí thức trẻ