Giá đường hiện đang ở quanh mức thấp nhất 1 thập kỷ, và có thể sẽ còn giảm thêm nữa do sản lượng cao kỷ lục trên toàn cầu trong khi người tiêu dùng có xu hướng xa lánh thực phẩm này vì lý do sức khỏe. Một số nhà phân tích lo ngại giá có thể giảm hơn nữa, xuống mức thấp nhất 14 năm (khoảng 8 US cent/lb). 
Trung tuần tháng 8/2018, giá đường thô tại New York xuống mức 10 US cent/lb, thấp nhất kể từ ngày 6/10/2008 (đối với hợp đồng giao sau 1 tháng), theo số liệu của Dow Jones. Tính từ đầu năm tới thời điểm đó, giá giảm hơn 32%, nhiều nhất trong số các mặt hàng nguyên liệu chủ chốt. 
Thế giới đang chuyển từ thiếu cung sang dư thừa từ cách đây một năm rưỡi. Năm nay, cả Ấn Độ (nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới) và Thái Lan (nước sản xuất lớn thứ 4 thế giới) đều bội thu nên lượng dư thừa dự báo sẽ càng nhiều thêm. 
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng đường thế giới năm marketing 2017/18 dự báo đạt kỷ lục 187,6 triệu tấn, tức là tăng trên 11% so với năm trước đó. 
"Sản lượng đường thế giới dự báo sẽ tăng, với cung vượt cầu tới 17 triệu tấn, nhiều nhất từ trước tới nay, khiến tồn trữ tăng mạnh ở cả các nước xuất khẩu cũng như nhập khẩu đường", báo cáo của FAO viết. 
Nhà phân tích về đường Robin Shaw thuộc công ty môi giới Marex Spectron giải thích rằng, sản lượng mía không giảm nhiều vì cây mía thuộc thân cỏ, mỗi gốc có thể thu hoạch 5- 6 năm liên tục, có nghĩa là người trồng ít khi đào mía lên để thay thế bằng cây trồng khác. 
Ngoài ra, đường "được bảo hộ trên toàn cầu bằng thuế nhập khẩu cao và trợ cấp xuất khẩu". Chính phủ Ấn Độ đã "giữ giá mía cao một cách giả tạo để hỗ trợ cho người nông dân, dẫn tới sản lượng tăng mạnh". Ở Pakistan tình hình cũng tương tự song mức độ thấp hơn. 
Trong bối cảnh đó, nhu cầu đường ngày càng trở nên thiếu chắc chắn. 
Nhu cầu đang giảm kể cả ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Australia do người tiêu dùng có những lựa chọn khác thay thế để bảo vệ sức khỏe. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tiêu thụ đường nước này trong tài khóa 2018/19 chỉ đạt 11,33 triệu tấn, gần như không thay đổi so với 11,27 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Tuy nhiên, ở những nơi khác trên thế giới (ngoài những thị trường kể trên), nhu cầu đường dự báo sẽ vẫn vững hoặc tăng do dân số tăng. 
Tại Trung Quốc, tiêu thụ đường trong năm marketing 2018/19 dự báo vững ở 15,7 triệu tấn, với mức tăng trưởng "bị hạn chế bởi mối quan tâm ngày càng nhiều tới sức khỏe và đường phải cạnh tranh với các chất tạo ngọt khác", báo cáo của FAO viết. 
Nhìn chung, các thị trường mới nổi đang trong thời kỳ "nhiễu loạn" và "dự báo nhu cầu trong tương lai sẽ giảm", giám đốc của Catalyst Multi-Strategy, Darren Kottle nhận định. 
Đồng USD tăng giá cũng góp phần khiến đường cũng như nhiều mặt hàng khác giảm giá. Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg đã giảm khoảng 5,1% trong 8 tháng đầu năm 2018.
"Đồng USD mạnh lên so với real Brazil và rupee Ấn Độ có thể đã góp phần thúc đẩy sản lượng tăng", Jeff Klearman phụ trách công ty thương mại GraniteShares cho biết. Đồng bạc xanh mạnh lên thường khiến giá hàng hóa giảm, trong đó có đường. 
Về lâu dài, dư thừa đường chắc sẽ ép giá giảm đến mức tác động tới sản lượng.
Theo Robin Shaw của Marex Spectron, giá đường có thể tăng lên 15 US cent "vào khoảng 2020". Ông tính toán rằng chi phí sản xuất ở những nước sản xuất hiệu quả cao như Brazil và Thái Lan hiện khoảng 12 đến 14 US cent/lb, cao hơn mức giá từ 10 -11 US cent hiện nay. "Tất niên giá sẽ tăng lên nếu không thì người sản xuất sẽ bị phá sản, nhưng quá trình tăng đó sẽ rất chậm", ông Shaw cho biết. 
Các nhà đầu tư dường như đều đang quay lưng với mặt hàng đường. Và tiền đầu tư vào thị trường này cho thấy giá đường cso thể "đã ở đáy hoặc gần chạm đáy của chu kỳ nhiều năm", chuyên gia Gilbertie của Quỹ đường Teucrium cho biết.
Tuy nhiên, ông Darren Kottle thì dự đoán giá đường sẽ còn giảm hơn nữa: "Tôi không thấy dấu hiệu nào trong ngắn hạn cho thấy xu hướng giảm giá đường sẽ đảo chiều". Ông này cho biết một số nhà phân tích dự báo giá có thể xuống chỉ 8 US cent/lb, tức là thấp nhất 14 năm. 
Nguồn: CafeF, Trí thức trẻ, Marketwatch