Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có tuyên bố khá mạnh mẽ. “Chắc chắn Mỹ sẽ không thể thành công với âm mưu mới nhằm vào Iran”, ông nói. Tuy nhiên, kinh tế Iran phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Các lệnh trừng phạt của Mỹ, nếu hiệu quả, sẽ tác động nặng nề đến kinh tế Iran.
Tại sao Mỹ trừng phạt Iran
Tức giận trước cái gọi là một thỏa thuận tồi tệ, Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương đạt được với Iran năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Hệ quả, các lệnh trừng phạt mà Mỹ cùng các nước khác đã dỡ bỏ năm 2016 lại đang được Washington tái triển khai. Những nước khác, bao gồm thành viên Liên minh châu Âu (EU), tin Iran vẫn tuân thủ cam kết trong thỏa thuận và nêu rõ ý định không đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.
Tuy nhiên, do tầm ảnh hưởng từ Mỹ với thương mại toàn cầu, một thông báo tái trừng phạt Iran là đủ để tạo ra làn sóng các công ty quốc tế rút đầu tư khỏi Iran, xuất khẩu dầu của Tehran cũng đang giảm.
 Cơ chế lệnh trừng phạt của Mỹ
Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cấm các công ty có giao dịch với Iran tới Mỹ làm ăn. Ngoài ra, Mỹ còn có lệnh trừng phạt thứ yếu với các công ty Mỹ nếu họ làm ăn với một công ty có quan hệ với Iran.
Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với lĩnh vực ngân hàng của Iran từ ngày 5/11. Trong tháng 8, Washington đã triển khai trừng phạt nhằm vào giao dịch vàng, kim loại quý và ngành ôtô của Tehran.
Mỹ đã nêu rõ ý định của họ là chặn hoàn toàn nguồn thu từ dầu mỏ của Iran. Tuy nhiên, Washington vẫn phải chấp nhận ngoại lệ, tạm thời cho phép 8 quốc gia tiếp tục mua dầu từ Tehran trong thời gian họ tìm nguồn cung thay thế. Theo AP, trong số 8 quốc gia này có Italia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lách lệnh trừng phạt
Nhằm giúp các công ty tiếp tục giao thương với Iran mà không bị Mỹ đáp trả, EU dự định triển khai một cơ chế thanh toán mang tên Phương tiện Mục đích Đặc biệt (SPV), cho phép các công ty trên tránh hệ thống tài chính Mỹ.
Giống như một ngân hàng, SPV sẽ xử lý các giao dịch giữa Iran và công ty giao dịch với họ, tránh những khoản thanh toán trực tiếp với Tehran.
Ví dụ, khi Iran xuất khẩu dầu cho một quốc gia trong EU, công ty thuộc quốc gia mua dầu sẽ thanh toán vào SPV. Iran sau đó sử dụng khoản tiền này, thông qua SPV, để mua hàng hóa từ các quốc gia khác trong EU.
EU cũng cập nhật một đạo luật cho phép các công ty EU phục hồi tổn thất do lệnh trừng phạt từ Mỹ gây ra.
Tuy nhiên, ngay cả khi có SPV, cái giá phải trả để làm ăn với Iran vẫn quá lớn với nhiều công ty. Ví dụ, các hãng vận tải biển mua dầu thông qua SPV có nguy cơ “dính” lệnh trừng phạt thứ cấp và mất khả năng làm ăn với Mỹ.
Kinh tế Iran không phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống tài chính Mỹ, theo Richard Nephew, chuyên gia về lệnh trừng phạt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Columbia. “Vấn đề là hầu hết các đối tác thương mại lớn của Iran lại phụ thuộc. Điều này ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc đánh đổi thị trường Mỹ để làm ăn với Iran”.
Nephew cho rằng các công ty vừa và nhỏ sẵn sàng sử dụng SPV hơn là các công ty lớn.
Quy mô nhập khẩu dầu từ Iran của một số nước trong năm 2017.
 Thỏa hiệp tạm thời?
Mỹ nhấn mạnh khiến xuất khẩu dầu của Iran về 0 nhưng điều này khó xảy ra bởi nó sẽ đẩy giá dầu lên cao, Scott Lucas, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Birmingham, nhận định. 
Ngoài những quốc gia được cho phép tiếp tục mua dầu, sự hậu thuẫn từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Iran, cũng là một vấn đề quan trọng.
 Lần gần đây nhất bị áp lệnh trừng phạt vào giai đoạn 2010 – 2016, xuất khẩu dầu của Iran giảm gần một nửa. Xuất khẩu của Iran lần này cũng bị ảnh hưởng nhưng rõ ràng Tehran cùng những đối tác thương mại còn lại sẽ nỗ lực để duy trì quan hệ. 
“Đừng vỡ mộng về tổn thất sẽ gây ra”, Ellie Geranmayeh, nhà nghiên cứu chính trị cấp cao tại Hội đồng châu Âu về Đối ngoại, nói. “Iran từng xoay xở qua nhiều đợt trừng phạt trước đây”. 
Iran buộc phải tìm những cách sáng tạo để bán dầu, dựa trên nhiều năm kinh nghiệm tồn tại dưới các lệnh trừng phạt. Để bù đắp khoảng trống do châu Âu để lại, Tehran có thể thiết lập các liên kết mới với Moscow và Bắc Kinh.
 Giá dầu khó tăng về dài hạn
 Việc Mỹ sắp trừng phạt Iran đã đẩy giá dầu lên đỉnh nhiều năm trong tháng 10 nhưng nhiều quốc gia đang tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt nguồn cung và triển vọng nhu cầu năng lượng thấp lại cản trở xu hướng này.
 Giá dầu thấp có thể tốt cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ trong thời điểm lạm phát bắt đàu đi lên. Tuy nhiên, điều này lại gây tổn hại đến các quốc gia xuất khẩu dầu – những nước đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
 Đầu tháng 10, giá dầu Brent đạt 86 USD/thùng. Sản lượng xuất khẩu của Iran giảm từ 2,66 triệu thùng/ngày trong tháng 6 còn 1,76 triệu thùng/ngày trong tháng 10, theo công ty theo dõi hàng hải Kpler. Giá dầu WTI của Mỹ cũng đạt đỉnh 76 USD/thùng. 
Tổng cộng, xuất khẩu dầu từ Iran dự kiến giảm 1 – 1,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, giá dầu Brent và WIT lại lần lượt giảm 16% và 17% từ đỉnh nêu trên, lao dốc cùng thị trường chứng khoán do những lo ngại về kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và lãi suất tăng.
 Về ngắn hạn, giá dầu có thể được thúc đẩy nhờ nguồn cung từ Iran giảm. Sau đó, giới phân tích thấy giá dầu phải chịu áp lực từ việc Mỹ, Nga và Arab Saudi tăng sản lượng còn tăng trưởng nhu cầu yếu. Rapidan Energy Group dự báo nguồn cung dầu sẽ tăng 2,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
 “Thay đổi lớn chưa được tính đến trong 6 tháng qua là cơn bão nguồn cung trong năm sau”, Bob McNally, chủ tịch Rapidan Energy Group, nói. “Chúng tôi nhận định năm sau sẽ bị dư cung”. 
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent tăng lên 80 USD/thùng vào cuối năm sau đó giảm còn 60 USD/thùng trong vòng 2 năm. Nhu cầu dầu năm 2019 là 1,45 triệu thùng/ngày, giảm so với con số 1,55 triệu thùng/ngày trong năm nay.
 “Giá có xu hướng tăng trong ngắn hạn và nguy cơ giảm về dài hạn”, theo Jeff Currie, đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs.
Nguồn: Như Tâm/Người đồng hành, BBC, WSJ