Sản lượng tăng, cung vượt cầu 10,5 triệu tấn đường
Theo Báo cáo quý của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2017/18 dự báo đạt 185,2 triệu tấn, tăng 17,35 triệu tấn (tương đương 10,34%) so với niên vụ 2016/17.
Trong đó, Ấn Độ tăng 5,4 triệu tấn, EU tăng 3,4 triệu tấn, Trung Quốc tăng 1,05 triệu tấn, Thái Lan tăng 2,35 triệu tấn. Ngược lại, sản lượng đường Brazil giảm 4,9 triệu tấn.
Trong khi đó, lượng đường tiêu thụ chỉ đạt 174,6 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa cung vượt cầu 10,5 triệu tấn đường mặc dù tiêu thụ tăng 1,85% so với vụ trước. Mức giảm này chủ yếu do tiêu thụ chậm lại tại các nước tiêu thụ đã bão hòa như EU và Bắc mỹ và dân số thế giới giảm nhẹ.
Động lực tiêu thụ đường được kỳ vọng vào tăng trưởng dân số và thu nhập. Theo Liên hợp quốc (UN) trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2020 dân số toàn cầu tăng trưởng đạt 1,09%. Đồng thời hoạt động kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện trong năm 2018 và 2019. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,8% năm 2017. Dự kiến năm 2018 và 2019, mức tăng trưởng sẽ được nâng lên 3,9% cho cả hai năm.
So với niên vụ 2016/17, nhu cầu nhập khẩu giảm 3,18 triệu tấn xuống còn 56,910 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu đường EU giảm 1,3 triệu tấn, Ấn Độ giảm 0,5 triệu tấn, Trung Quốc giảm 0,5 triệu tấn. Nguyên nhân được cho là do các nước nhập khẩu tăng sản lượng.
Mặc dù giảm lượng đường xuất khẩu giảm mạnh, Brazil vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm khoản 40% giao dịch đường quốc tế. Cụ thể, tổng lượng đường xuất khẩu trong vụ 2017/18 (tháng 10 và tháng 9) của Brazil đạt 11,73 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3, Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới đạt 715.000 tấn, tăng 6,7% so với năm ngoái . Tổng lượng đường xuất khẩu từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018 đạt 3.095 triệu tấn tăng nhẹ so với mức 3,02 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Giá đường nhiều nơi giảm mạnh
Giá đường giao ngay (ISA Daily Price) trong tháng 5 thấp hơn 16,2% so tháng 12/2017. Điển hình nhất là Brazil khi giá giảm tới 20,8% trong giai đoạn này. Trong tháng 3, giá đường trung bình đạt 1.026 BRL/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2015. Các nhà máy đường phải kết hợp sản xuất cồn do giá cồn cao hơn.
Cùng lúc đó, giá đường nội địa Trung Quốc giảm 16,3% do nguồn cung tăng. Đặc biệt, trong tháng 4, giá đường chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016 ở mức 5.479 nhân dân tệ/tấn.
Tại Ấn Độ giá đường nội địa bình quân tháng 5/2018 thấp hơn 17,9% so với tháng 12/2017. Giá đường nội địa giảm do bùng nổ sản lượng trong vụ này. Các nhà máy đường gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền mía kịp thời cho nông dân.
Đi ngược so với xu thế toàn cầu, giá đường Nga tăng hơn 29,1% trong cùng giai đoạn. Giá đường Nga liên tục tăng mạnh, khi nước này đang vào thời gian chuyển giao mùa vụ.
Phân tích của ISO chỉ ra rằng tình hình cung cầu đường thế giới đang rất xấu. Trên nền tảng này, thị trường sẽ rất khó để lạc quan đồng thời dự đoán giá đường năm 2018. ISO giải thích giả sử tốc độ tăng trưởng nhu cầu hàng năm khoảng 1,6%/năm phù hợp với tốc độ tăng trưởng bình quân dài hạn (10 năm). Lượng đường thế giới tiêu thụ trong vụ tới có thể chỉ đạt khoảng 177,5 triệu tấn, thấp hơn sản lượng đường là 185,2 triệu tấn. Mặt khác, để tồn kho không tăng thêm, sản lượng đường thế giới niên vụ 2018/19 sẽ phải giảm ít nhất 7,7 triệu tấn.
“Nước nào sẽ tiết giảm sản lượng đường để cân đối cung cầu? Rất khó nếu chỉ điều tiết theo thị trường, liệu sau vụ 2018/19 cân đối cung cầu có phù hợp cho hoạt động kinh tế của ngành đường?”, ISO nhận định.
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & tiêu dùng