Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan đang nỗ lực giải quyết tình trạng giá cao su giảm xuống thấp bằng cách hợp tác với một số doanh nghiệp nhằm tạo ra cơ hội xuất khẩu cho người nông dân.
Bộ trưởng Thương mại Apiradi Tantraporn vừa tuyên bố sẽ gửi bản thương thảo thỏa thuận thương mại đến một số nước như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và một số nước khu vực Mỹ Latin. Bộ này đồng thời cũng đã gửi bản hướng dẫn tới Văn phòng Xúc tiến Thương mại Quốc tế của Thái Lan tại các quốc gia nhằm tìm hiểu và giới thiệu các sản phẩm cao su trong nước.
Một số sản phẩm cao su mà Bộ Thương mại muốn xúc tiến bao gồm cao su tự nhiên, bộ phận máy móc, găng tay cao su, găng tay y tế, lốp cao su, nệm cao su, giầy và một số bộ phận nội thất.
Bộ trưởng Thương mại liên tục thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cao su. Kể từ tháng 1 đến tháng 5, quốc gia này đã xuất khẩu khoảng 1,48 triệu tấn cao su do Bộ Thương mại kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh trong tương lai. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su như lốp xe, găng tay cũng tăng 59% lên 4 tỷ USD, đại diện phát ngôn chính phủ, ông Sansern Kaewkamnerd cho hay. Đồng thời, chính phủ khuyến khích nông dân trồng các loại cây nông nghiệp khác thay vì chỉ tập trung vào cao su để tăng thu nhập đồng thời giảm áp lực về nguồn cung.
Đợt giảm giá dầu gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường sử dụng cao su nhân tạo thay vì cao su tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng thừa sản lượng cao su cũng đang là tồn tại lớn đối với quốc gia này. Trên một chương trình truyền hình hôm thứ Sáu thủ tướng Gen Prayut Chan-ocha cho biết Thái Lan đối mặt với "cơn lũ" cao su khi diện tích trồng lên tới 3 triệu rai (tương đương khoảng 480.000 ha). Điều này là lý do tại sao giá cao Thái Lan liên tục phải chịu áp lực.
Nông dân trồng cao su của Thái Lan đang phải hứng chịu đợt lao dốc mạnh khi giá trượt dốc tới 40%. Giá cao su tờ xông khói (rubber smoke sheet) hôm thứ Sáu tuần trước giao dịch ở mức 54,5 baht/kg (tương đương 35.646,8 VND/kg) thấp hơn so với mức trung bình hồi tháng 1 tới 38%. Đến hôm thứ Hai tuần này giá cao su tờ xông khói giảm tiếp xuống còn khoảng 50 Baht/ kg (tương đương với 33.295,45 VND/ kg).
Mạng lưới nông dân trồng cao su khu vực phía nam Thái Lan (SRFN) tuần trước cảnh báo họ sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại nếu trước ngày 12/7 chính phủ không có những biện pháp khắc phục tình trạng giá cao su giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Trước đó, SRFN cũng đã từng gửi đơn kiến nghị thông qua phó thủ tướng Prawit Wongsuwan tại Bangkok yêu cầu chính phủ đưa việc giải quyết mối quan ngại của nông dân trồng cao su thành một trong những chính sách ưu tiên của quốc gia.
Đồng thời, hôm 27/6 SRFN kêu gọi thủ tướng kích hoạt điều khoản số 44 để khắc phục tình hình ảm đạm trên thị trường cao su nội địa bằng việc treo các banner, khẩu hiệu ở nhiều nơi.
Ông Thanomkiat Yingchuan thư ký SRFN cho rằng cách tốt nhất để giải quyết tình trạng thừa cao su là thị trường trong nước cần đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức tiêu thụ và không ai khác, các cơ quan chức năng liên quan sẽ đóng vai trò quyết định trong việc kích thích nhu cầu cao su trong nước bằng cách sử dụng 5% cao su para trong hỗn hợp nhựa đường trong tất cả các dự án xây dựng và sửa chữa đường sá, bắt đầu từ năm tài khóa 2018.
Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải tranh luận của nhiều chuyên gia ngành xây dựng rằng chi phí sử dụng 5% cao su para trong hỗn hợp nhựa đường đắt hơn so với các nguyên liệu thường dùng. Phản bác ý kiến này, ông Thanomkiat Yingchuancho rằng nếu sử dụng nhựa 5% cao su para thì độ bền sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Theo SRFN lập luận rằng những cung đường sử dụng nhựa đường trộn cao su có độ bên cao hơn nhựa đường thông thường tới 200% và chi phí chỉ cao hơn 17% so với nguyên liệu thông thường khác.
Ông Thanomkiat Yingchuan cho rằng chính phủ đang miễn cưỡng khởi động điều khoản 44 để "cứu" ngành cao su là vì lo ngại sẽ làm thất vọng các nhà đầu tư- những người được hưởng lợi từ việc xây dựng đường sá bằng cao su 5% para nhập khẩu.
Nguồn: Đức Quỳnh/Người đồng hành