Chăn nuôi manh mún, không bảo đảm chất lượng, không theo các tín hiệu thị trường là nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi điêu đứng. Theo các chuyên gia, chỉ khi sản xuất theo chuỗi, gắn với tín hiệu thị trường mới bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Ông Nhữ Đình Tú - Tổng giám đốc Công ty CP Lebio - cho biết, nhận thấy hệ lụy của hình thức chăn nuôi tự phát, chúng tôi đã thành lập chuỗi liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng công nghệ nhằm giảm giá thành đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty đã chủ động nghiên cứu, sản xuất thức ăn chăn nuôi vi sinh, giúp thịt lợn thành phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời liên kết, hình thành một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ để kiểm soát đầu vào - đầu ra, bình ổn giá cả thị trường trong chuỗi liên kết, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
“Nhờ cách làm này, sản phẩm thịt lợn của công ty được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện chúng tôi đang thu mua thịt lợn của người chăn nuôi theo quy trình của Lebio là 35.000 đồng/kg lợn hơi, người nông dân có lãi khoảng 500.000 đồng/con. Đây là mức giá khá cao hiện nay” - ông Tú khẳng định.
Tương tự như thịt lợn của Công ty Lebio, các sản phẩm thịt lợn an toàn, thịt sinh học đang được bán tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn như Big Green, Bác Tôm… hay các siêu thị như VinMart, Saigon Co.op… cũng giữ giá ổn định và tương đối cao. Đáng chú ý, dù giá thịt lợn cao hơn ngoài thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn tự nguyện mua và sử dụng các sản phẩm này.
Những minh chứng trên cho thấy, sản xuất theo chuỗi và bảo đảm chất lượng chính là giải pháp sống còn cho ngành chăn nuôi, cả trước mắt và lâu dài. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, nếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự buôn bán thì sẽ không thể kiểm soát được giá. Do đó, quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi gắn với tín hiệu thị trường thì mới bảo đảm có lợi cho người dân.
Tuy vậy, khó khăn nhất của việc phát triển các chuỗi chăn nuôi hiện nay là bà con vẫn quen nuôi lợn theo kiểu truyền thống, tự phát, chỉ quan tâm đến sản lượng mà chưa thực sự chú trọng đến chất lượng. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế phối hợp giữa người dân và doanh nghiệp (DN) để xây dựng chuỗi liên kết.
Góp phần hóa giải những khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tới đây, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tổ chức lại ngành chăn nuôi, tiến tới xây dựng ngành chăn nuôi lợn mang tính hiệu quả, bền vững, theo tín hiệu thị trường. Bên cạnh đó, tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất này, đặc biệt là các nông hộ, vì nếu cứ để tồn tại hơn 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì còn rủi ro, khó kiểm soát, tình trạng giá xuống thấp sẽ còn xảy ra. Đồng thời, gia tăng phương thức chăn nuôi hữu cơ; đặc biệt, tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của DN, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm
Trong bối cảnh giá thịt lợn giảm sâu, những sản phẩm thịt lợn chất lượng được chăn nuôi theo chuỗi của các DN như Lebio, C.P, Dabaco… vẫn giữ được giá tương đối ổn định. Các DN này còn góp phần gỡ khó cho người dân bằng cách chế biến và bảo quản các sản phẩm trong kho lạnh, không tung ra ở thời điểm này để giảm áp lực lên nguồn cung.
Kỳ III: Đẩy mạnh xuất khẩu

Nguồn: Lan - Hạnh -Trinh/Báo Công Thương điện tử