Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong tháng 6/2017, có một số yếu tố có thể gây áp lực lên mặt bằng giá.
Trong đó, thời tiết chuyển mùa nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt tăng. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng một số nhóm mặt hàng tăng như: Đồ uống (bia hơi, nước giải khát), may mặc, mũ nón, giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình (tập trung vào các thiết bị điện phục vụ giải nhiệt như: điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, quạt điện và dịch vụ sửa chữa máy điều hòa nhiệt độ), vật liệu chống nóng..., từ đó gây sức ép tăng giá các hàng hóa, dịch vụ này.
Bên cạnh đó, tháng 6 cũng là tháng nghỉ hè của học sinh nên nhu cầu đi du lịch tăng, dự báo sẽ tác động làm tăng giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giá dịch vụ du lịch.
Mặt khác, một số địa phương có thể điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh (không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT) theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế và dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Tuy nhiên theo cơ quan quản lý giá, cũng có những yếu tố sẽ làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 6/2017, như: Tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 20/5/2017 sẽ làm giảm sức ép nhất định lên mặt bằng giá tháng 5/2017. Đồng thời, giá LPG giảm theo xu hướng giảm trên thị trường thế giới; giá lương thực thực phẩm có thể ổn định do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động, nguồn cung tương đối dồi dào. Việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới.
Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng trước, nhưng tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,37% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,47%.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 năm 2017 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,33% so với cùng kỳ; năm tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,56%.
Việc CPI tháng 5 giảm, theo cơ quan quản lý giá, do trong tháng 5/2017, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào từ sản xuất trong nước và nhập khẩu trong khi tình hình xuất khẩu vẫn khó khăn nên giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục xu hướng giảm, đặc biệt ở nhóm thịt tươi sống. Theo đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng này đã giảm 2,27% (trong đó giá thịt lợn giảm 9,94%) làm chỉ số CPI chung giảm khoảng 0,51%.
Cùng với đó, giá thế giới các mặt hàng nguyên liệu, năng lượng như xăng dầu thành phẩm, LPG... giảm, tác động làm giảm giá trong nước của các mặt hàng này. Cụ thể, giá xăng giảm 520 đồng/lít, dầu diezen giảm 550 đồng/lít vào các ngày 05/5/2017 và ngày 20/5/2017 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,71% so với tháng trước. Giá LPG thế giới giảm 16% tác động làm giảm giá LPG trong nước, theo đó, các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán lẻ LPG trong nước từ ngày 01/5/2017 với mức giảm là 23.000đ/bình 12 kg là những yếu tố tác động làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Ngoài ra, các bộ ngành tiếp tục chủ động trong công tác dự báo, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh giá một số mặt hàng và dịch vụ sự nghiệp công phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường đã góp phần quan trọng bình ổn mặt bằng giá thị trường tháng 5/2017.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và bình ổn thị trường, đầu tháng 5/2017, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Đồng thời rà soát, tính toán và có các giải pháp công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; không điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố hình thành giá không thay đối. Cùng với đó, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (đặc biệt các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi.
Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ốn và đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, và gian lận thương mại; kiếm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 5/2017, số lượng lợn trên cả nước còn khoảng 1,5 triệu con. Trong thời gian qua, đã phát động các doanh nghiệp thu mua được khoảng 200.000 — 250.000 tấn lợn hơi. Giá thịt lợn hơi trên thị trường đã bắt đầu nhích dần lên, tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 4/2017.
Nguồn: H.L/Thời báo tài chính online