Mặc dù vậy, những điều này cũng không đáp ứng nổi "cơn đói ăn" của người dân Trung Quốc và hàng loạt những thương vụ mua, thuê đất nông nghiệp ở những thị trường đang phát triển của nước này cho thấy chính quyền Bắc Kinh muốn nhiều hơn nữa. 
Tuy nhiên, một thách thức khá lớn nữa đang diễn ra là không riêng gì Trung Quốc, dân số của các nước Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ cũng tăng nhanh thêm 2 tỷ người trong chưa đầy 1 thế hệ nữa và họ cũng cần lương thực. 
Điều này đặt ra thách thức cho Trung Quốc rằng nếu họ kiếm đủ lương thực cho toàn dân thì liệu những khu vực còn lại có đủ thức ăn cho dân của họ hay không và liệu điều này có ảnh hưởng đến khả năng sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc hay không. 
Để đối phó với tình trạng này, chính quyền Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ nông nghiệp, qua đó làm thay đổi cả một ngành sản xuất truyền thống.
Hàng loạt thách thức
Cách đây 40 năm khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và cổ phần hóa các doanh nghiệp, công nghệ nông nghiệp Trung Quốc đã dần manh nha. Ngoài những thành công rực rỡ về kinh tế, cải cách ruộng đất cũng khiến năng suất được giải phóng, khiến hàng triệu nông dân gia nhập tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khẩu vị người dân thay đổi khi chuyển từ cơm rau sang tiêu thụ thịt, sữa, trứng. 
Trước đây, thịt lợn là món ăn vô cùng hiếm chỉ được người Trung Quốc sử dụng trong các lễ trọng đại nhưng ngày nay, chúng thậm chí bị hạn chế dùng nhằm giữ sức khỏe cho người dân.
Lương tiêu thụ Protein bình quân (gr/người/ngày) của Trung Quốc tăng mạnh so với nhiều nước
Tuy vậy, một vấn đề mới lại phát sinh khi những nhà máy làm ô nhiễm đất đai, người dân dùng quá nhiều kháng sinh và hóa chất gây xói mòn. Những phát triển về công nghệ chưa giúp được gì nhiều khi hàng loạt những vụ ô nhiễm thực phẩm, hàng giả mạo gây mất niềm tin của người tiêu dùng. 
Trong khi bình quân mỗi người Mỹ cần nửa ha đất nông nghiệp để có thể tự cung lương thực cho bản thân thì mỗi người Trung Quốc chỉ có 0,1ha đất nông nghiệp, bao gồm cả những vùng đất đã bị ô nhiễm. 
Chính vì vậy, chính quyền Bắc Kinh buộc phải có những biện pháp khác như kiểm soát thị trường nông nghiệp, nâng cao năng suất các trang trại bằng những công nghệ mới, hạn chế xói mòn đất nông nghiệp và quan trọng nhất là tăng nhập khẩu lương thực. 
Cho dù là ở biện pháp nào thì công nghệ nông nghiệp vẫn là trọng tâm của Trung Quốc nhằm đối phó tình trạng thiếu hụt lương thực cho người dân. Quốc gia này đã chi hàng tỷ USD cho các hệ thống tưới tiêu, đập thủy điện, hệ thống gieo xạ, robot nông nghiệp, số liệu thời tiết… nhằm cải thiện năng suất.
  Lượng sử dụng phân bón bình quân (kg/ha) trong nông nghiệp Trung Quốc cao nhất thế giới.
Thậm chí những chính sách cực đoan như trợ giá hay bảo hộ thị trường nông sản cũng được sử dụng bất chấp lời kêu gọi tự do hóa thương mại toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình. 
Dẫu vậy, những chính sách bảo hộ này đang có tác động ngược trở lại. Nhiều hộ nông dân đổ đầy thuốc trừ sâu và phân bón tạo nên những vụ mùa bội thu và làm chính sách trợ giá của chính phủ bị đổ vỡ trong khi chất lượng lương thực không cao. 
Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy tổng dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc năm 2016 đạt hơn 600 triệu tấn, cao hơn cả mức sản lượng cho riêng 1 năm. Khoảng 50% số dự trữ này là ngô và chính phủ đang cố bán chúng trước khi bị hỏng, buộc các chính quyền địa phương phải chuyển ngô từ lương thực sang loại nguyên liệu sản xuất năng lượng cho các động cơ. 
Tồi tệ hơn, lượng đất nông nghiệp của nước này đang dần cạn kiệt khi Trung Quốc mất tới 6,2% quỹ đất canh tác trong khoảng 1997-2008. Trong khi đó chính quyền địa phương tiếp tục cho xây các dự án bất động sản, lấy mất đất canh tác của người dân. 
Thậm chí báo cáo của chính phủ nước này cho thấy 20% đất nông nghiệp đang bị ô nhiễm.
Trung Quốc chỉ có 122 triệu ha đất canh tác được và 19,4% trong số đó đã bị ô nhiễm.
Thực trạng này khiến chính quyền Bắc Kinh chuyển từ sản xuất hàng loạt sang chú trọng hơn vào chất lượng cũng như phát triển lâu dài của ngành nông nghiệp. 
Nghiên cứu của chính phủ năm 2014 cho thấy thậm chí nhiều lô thực vật của nước này nhiễm những kim loại nặng như Cadmium do dùng quá nhiều hóa chất. Chính những thông tin này khiến người tiêu dùng trong nước trở nên chuộng sản phẩm nhập khẩu hơn và mất niềm tin vào thực phẩm nội địa. 
Chỉ trong vòng 10 năm, doanh số bán thịt bò nhập khẩu tại Trung Quốc đã tăng 19.000%. Trong khi đó, nhập khẩu đậu nành tăng mạnh đến mức Trung Quốc phải lặng lẽ bỏ sản phẩm này khỏi danh mục chiến lược tự cung tự cấp năm 2014. 
Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu tới 106 triệu tấn ngũ cốc và đậu nành. Đây là điều dễ hiểu bởi với lượng đất nông nghiệp có hạn, quốc gia này không thể tự trồng mọi thứ để đáp ứng 1,4 tỷ dân của mình. 

Nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc (nghìn tấn)
Khi quốc gia khác cũng đói ăn
Dẫu vậy, việc nhập khẩu lương thực cũng như mở rộng sản xuất nông nghiệp tại quốc gia khác đang chứng kiến rủi ro lớn khi dân số nhiều nước cũng đi lên. Số liệu của Demographia cho thấy vào năm 2050, khoảng 14/20 thành phố đông dân nhất sẽ nằm tại Châu Á và Châu Phi. 
Số liệu của Liên hiệp Quốc (UN) và Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy tại thời điểm đó, toàn cầu sẽ có khoảng 9,7 tỷ người và thế giới sẽ cần nhiều hơn 70% sản lượng nông nghiệp so với năm 2009 để chu cấp được đầy đủ cho tất cả. 
Một chính sách nữa đang được Trung Quốc sử dụng nhiều là thuê hay mua lại những trang trại ở nước ngoài, tuy nhiên hiệu quả của chúng là chưa cao bởi phần lớn những thương vụ này mang mục đích chính trị hơn là nâng cao năng suất để đối phó với nguồn cầu lương thực trong nước. 
Phần lớn đất canh tác của Trung Quốc là manh mún dưới 1ha
Trong khi đó, những công nghệ nông nghiệp mới như kỹ thuật tưới nhỏ giọt lại khá khó ứng dụng ở Trung Quốc do phần lớn đất canh tác ở đây manh mún, có diện tích chưa đến 1ha. Hiện khoảng 260 triệu hộ gia đình nông dân đang canh tác trên 120 triệu ha đất, như vậy bình quân mỗi gia đình canh tác chưa đến nửa ha đất. 
Hơn nữa, kể cả có dồn điền thành những trang trại đi chăng nữa thì phần lớn trong khoảng 10 triệu hộ nông dân sẽ thất nghiệp, gây ra những rắc rối khác cho nền kinh tế. Ngoài ra, tư tưởng tư hữu về đất đai khiến việc dồn điền này trở nên khó khăn hơn, nhất là khi nhiều hộ nông dân không biết làm nghề gì khi mất đất.

 

Bình quân mỗi hộ nông dân Trung Quốc chỉ canh tác trên 0,5ha, thấp hơn nhiều nước.
Diện tích nhỏ, thiếu tài nguyên, phụ thuộc lớn vào nông nghiệp nhưng quốc đảo này có cách đạt bình quân GDP đầu người 10.000 USD chỉ sau 40 năm
Nguồn: BT/Thời Đại