Theo các chuyên gia, bức tranh về thị trường bán lẻ toàn cầu đang cho thấy hai gam màu sáng tối đan xen tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Trong khi các nước Anh, Pháp, Mỹ được đánh giá là những thị trường bán lẻ đã bước vào "độ chín", thì các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ lại trở thành những thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực này.
Gam màu tối tại các nước phát triển
Sự sa sút của các nền kinh tế châu Âu trong 15 năm qua đã góp phần làm lĩnh vực bán lẻ sụt giảm tại châu lục này. Theo số liệu của Deloitte, kể từ năm 2006, mức đóng góp của châu Âu trong doanh thu của 250 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã giảm từ mức 39,4% xuống 33,8%.
Những khó khăn của Pháp cũng đang đè nặng lên toàn khu vực, với việc các nhà bán lẻ lớn nhất nước này như Carrefour, Auchan và Casino vẫn đang “loay hoay” để có thể đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Trong khi đó, ngành bán lẻ của nước Anh cũng đối diện với nguy cơ tổn thất nặng nề nếu Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận.
Nhà điều hành dịch vụ tài chính Barclays của Anh dự kiến nếu kịch bản này xảy ra, ngành bán lẻ và cung ứng thực phẩm có thể bị tổn thất 9,3 tỷ bảng Anh (tương ứng 12,2 tỷ USD).
Bên cạnh đó, một loạt tập đoàn bán lẻ lớn của nước Anh như House of Fraser, Marks & Spencer hay Next đang tìm cách cắt giảm chi phí, bằng cách đóng cửa hàng chục cửa hiệu trong những tháng tới hoặc tìm cách đưa thêm vào điều khoản thuê đất để giảm giá thuê.
Hồi tháng Sáu, House of Fraser đã công bố kế hoạch đóng cửa 31 cửa hiệu trên toàn nước Anh. Con số trên tương đương hơn một nửa số cửa hiệu của doanh nghiệp này khiến 6.000 người lao động đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.
Nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019, nhưng cho tới nay, quá trình đàm phán để tiến tới bản thỏa thuận "ly hôn" cuối cùng vẫn bế tắc. Mới đây, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit, tuyên bố vẫn còn nhiều khác biệt trong đàm phán về Brexit khi thời gian đang được tính từng ngày để có thể đạt một thỏa thuận.
Thủ tướng Theresa May cho biết bà mong muốn sẽ ký thỏa thuận về quan hệ giữa nước Anh và EU trong tương lai song sẽ không phải bằng bất kỳ giá nào.
Trong khi tại Mỹ, chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu đang được đánh giá “cơn gió ngược” đối với ngành bán lẻ. Nhà bán lẻ hàng đầu thế giới của Mỹ Walmart Inc. gần đây cảnh báo việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến giá của mọi sản phẩm từ thực phẩm cho tới đồ uống và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Theo Walmart, các sản phẩm tiêu dùng chịu tác động tăng giá từ các áp đặt thuế mới sẽ bao gồm từ lò nướng, túi đựng hành lý và túi du lịch, đệm và mũ bảo hiểm…, cho đến xe đạp và đèn trang trí dịp Giáng sinh.
Với vị thế là nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, Walmart rất quan ngại về những tác động của thuế quan đối với hoạt động kinh doanh, khách hàng và các nhà cung cấp của mình, cũng như nền kinh tế Mỹ nói chung.
Trong tháng 10/2018, một liên minh các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ phản đối các biện pháp thuế quan của ông Donald Trump đã phát động một chiến dịch quảng cáo nhằm thông báo tới cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ về khoản thiệt hại trị giá 1.4 tỷ USD/tháng mà các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu do các biện pháp thuế quan.
Phát ngôn viên của liên minh Angela Hofmann cho biết: “Những khoản thuế quan này là các khoản thuế đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, không phải do các nước khác trả mà do chính người Mỹ phải trả”.
Tổng thống Donald Trump đã áp đặt gói thuế quan trị giá 250 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc và các mức thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu, làm tăng chi phí trong nước và chi phí nhập khẩu. Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ áp một gói thuế quan khác, trị giá 276 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc - điều sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.
Màu sắc tươi sáng từ các thị trường đang phát triển
Trong khi châu Âu chứng kiến mức đóng góp vào doanh thu của 250 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới sụt giảm trong 10 năm qua, châu Á - Thái Bình Dương lại cho thấy mức tăng trưởng tích cực. Theo một thống kê, mức đóng góp của các nhà bán lẻ tại khu vực này tăng tương ứng từ 10,4% năm 2006, lên 15,4% năm 2016.
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nắm trong tay lượng dân số lớn nhất hành tinh, Trung Quốc được đánh giá là “mỏ vàng” đối với tập đoàn và nhà bán lẻ nước ngoài. "Gã khổng lồ" về bán buôn và bán lẻ Metro của Đức cho biết đang mở rộng hoạt động tới người tiêu dùng để phục vụ khách hàng Trung Quốc tốt hơn.
Metro cho biết doanh thu đã đạt trên 20 tỷ NDT (2,9 tỷ USD) trong năm tài chính 2016/2017 tại Trung Quốc, chiếm khoảng 7% trong tổng doanh thu của họ trên thế giới.
Ngoài Metro, các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Carrefour, Walmart, IKEA, Aeon và Decathlon cũng bày tỏ tin tưởng về sự phát triển tại thị trường Trung Quốc. Giám đốc điều hành Carrefour khu vực châu Á Thierry Garnier cho biết lợi nhuận hoạt động của Carrefour Greater China đã tăng khoảng 1,8 lần trong nửa đầu năm 2018.
Trong khi đó, ông Wern-Yuen Tan, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Walmart China, cho hay sự đổi mới và sức sống của thị trường Trung Quốc luôn được đánh giá cao và Walmart nhận thấy có nhiều cơ hội để phát triển tại đây.
Xem xét những thay đổi nhanh chóng tại thị trường bán lẻ Trung Quốc, Walmart cho rằng cần học hỏi từ Trung Quốc và xây dựng chiến lược phù hợp. Trung Quốc đang là nước đi đầu thế giới trong hoạt động bán lẻ từ mô hình bán lẻ kết hợp cả trực tuyến và ngoại tuyến và các hình thức mới của thanh toán di động.
Năm 2016, Walmart đã hợp tác với JD.com, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, thành lập một liên minh chiến lược để cung cấp dịch vụ tốt hơn thông qua sự kết hợp giữa thương mại điện tử và bán lẻ.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một trong những thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dự kiến, doanh thu bán lẻ của nước này sẽ tăng từ 672 tỷ USD năm 2017, lên 1.100 tỷ USD năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, thu nhập gia tăng, quá trình đô thị hóa, cùng với sự thay đổi về cấu trúc nhân khẩu học và “khẩu vị” của người tiêu dùng là những yếu tố thúc đẩy thị trường bán lẻ Ấn Độ. Thống kê cho thấy lĩnh vực bán lẻ tại nước này không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng vững mạnh tại các thành phố lớn mà còn tại cả các thành phố loại II và loại III.
Không chỉ châu Á, các thị trường đang nổi tại châu Phi và Trung Đông cũng “tận hưởng” mức tăng trưởng tích cực trong doanh số bán lẻ. Theo các chuyên gia, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại châu Phi đã thúc đẩy đà phát triển và quá trình hiện đại hóa của lĩnh vực bán lẻ.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2018 và 3,5% trong năm 2019 và năm nay “lục địa đen” sẽ nắm trong tay sáu trong số mười nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Nguồn: Trà My/TTXVN