Công ty sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp dự đoán giá thép Trung Quốc từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng hơn nữa do Bắc Kinh tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu thép trong nước.
Trong tuần này, giá thép thanh kỳ hạn Trung Quốc tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ tháng 3/2013. Nguyên nhân được cho là do nhiều thương lái đổ xô mua vào bởi họ lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ mạnh tay thặt chặt nguồn cung thép trong mùa đông sắp tới nhằm bảo vệ môi trường, làm sạch không khí. Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà máy sản xuất thép chất lượng thấp buộc phải đóng cửa để giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay.
Thép của Trung Quốc chiếm tới một nửa sản lượng thép của toàn thế giới. Tuy nhiên, chính vì quy mô khai thác và sản xuất thép quá lớn nên quốc gia này đang phải đối mặt tình trạng thừa thép gấp tới 4 lần sản lượng khai thác của Mỹ.
Riêng tỉnh Hà Bắc- nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành thép, có tới 104 nhà máy chiếm 1/4 sản lượng Trung Quốc. Tỉnh này cam kết cắt giảm sản lượng tới 31,17 triệu tấn đến hết năm 2017 và 49,13 triệu tấn vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy thép tại thành phố Langfang và Zhangjiakou.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà máy luyện thép và nhôm tại 4 tỉnh phía Bắc Trung Quốc là Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam và 2 tỉnh Bắc Kinh và Thiên Tân thắt chặt sản lượng khai thác trong suốt tháng cao điểm của mùa đông khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 2 khi nhu cầu sưởi ấm đỉnh điểm. Mức độ cắt giảm phụ thuộc vào lượng khí thải của từng khu vực.
Trung Quốc cũng đã cắt giảm khoảng 30% lượng thép xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2017. Tính riêng trong tháng 6, lượng thép xuất khẩu của nước này giảm 2,4% so với tháng 5 xuống còn 6,81 triệu tấn.
Tình hình xuất khẩu kim loại của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh xung đột thương mại ngành thép với Mỹ. Trước đó, tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang tạo nên một "cơn lũ" thép và nhôm giá rẻ, gây tổn hại đến ngành thép nước Mỹ cũng như đe dọa tới an ninh nội địa. Tuy nhiên, Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ ý kiến trên.
Trong tháng 4, chính quyền ông Trump đã mở một cuộc điều tra ngành công nghiệp thép trong nước và rất có thể Mỹ sẽ sẽ áp đặt thuế và hạn ngạch nhập khẩu mới đối với thép nếu như họ phát hiện thép nhập khẩu là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Việc Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu giúp cho lượng thép xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh, chiếm 40% tổng sản lượng thép của nước này.
"Chính sách kích thích của Bắc Kinh đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trong nước và có thể đà tăng trưởng này vẫn duy trì vững chắc từ nay đến cuối năm", ông Toshiharu Sakae, phó chủ tịch Nippon Steel nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc trong 2 quý đầu năm tăng trưởng mạnh hơn so với kỳ vọng. Điều này giúp Trung Quốc có thể sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 ngay cả khi Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát thị trường bất động sản và những rủi ro về nợ.
Hầu hết các nhà sản xuất thép Trung Quốc đều đang thu lại lợi nhuận lớn trong thời gian gần đây "Từ nay đến cuối cuối năm, giá thép Trung Quốc sẽ còn tăng lên trên mức hiện tại", ông Sakae nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Lee McMillan, chuyên gia đến từ Clarksons Platou Securities ở New York, cho rằng vẫn chưa nên vội mừng khi sản lượng thép của Trung Quốc có thể tăng trở lại do giá thép tăng, kích thích các nhà sản xuất tăng công suất. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thừa thép và thậm chí thừa quặng sắt khi nước này liên tục nhập khẩu nguyên liệu thô này để sản xuất thép.
Trữ lượng quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc đang ở mức 139,1 triệu tấn vào hôm 4/8, gần chạm ngưỡng kỷ lục 141,45 hồi tháng 6, theo dữ liệu theo dõi từ SteelHome.

Nguồn: ndh.vn