Theo hãng tin Pháp AFP, từ lâu việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm như xoài, than đá và cá hồi vốn là cách Trung Quốc sử dụng để trừng phạt các nước không tuân theo quan điểm chính trị của mình. 
Nhưng giờ đây, Bắc Kinh còn có thể gây tổn thất cho các nước khác bằng cách giảm số lượng đông đảo người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, trong đó chủ yếu là Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Theo các nhà phân tích, những động thái của Trung Quốc gần đây nhằm phản đối Hàn Quốc vì nước này đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở bán đảo Triều Tiên cho thấy việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đối với Seoul. 
Bắc Kinh đã cấm các công ty lữ hành Trung Quốc tổ chức đưa người dân trong nước đi du lịch Hàn Quốc. Điều này đã gây trở ngại đối với thị trường du lịch Hàn Quốc cũng như các cửa hàng miễn thuế của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte. Tập đoàn này đã trao quỹ đất của mình cho Chính phủ Hàn Quốc để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi tại nước này. 
Hàng chục cửa hàng Lotte ở Trung Quốc đã bị đóng cửa và các cuộc biểu tình diễn ra khắp Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép buộc Seoul phải từ bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Trung Quốc coi là mối đe dọa đối với năng lực quân sự của nước này. 
Tập đoàn Lotte cũng đã chịu nhiều tổn thất trong các dự án liên doanh với Trung Quốc. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh dừng dự án hợp tác với Hàn Quốc xây dựng công viên giải trí trị giá 2,6 tỷ USD. Ngoài ra, các trang web của tập đoàn này cũng bị tấn công. 
Theo báo cáo của Công ty lữ hành quốc tế Hàn-Trung có trụ sở tại Seoul, lượng khách hàng của công ty trong những tháng gần đây đã giảm 85% do Trung Quốc chỉ trích Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Số lượng khách hàng trung bình mỗi tháng của công ty này đạt khoảng 4.000 người (chủ yếu là người Trung Quốc), nhưng con số này đã giảm xuống khoảng 500 người sau khi Bắc Kinh cảnh báo người dân về những rủi ro khi đi du lịch Hàn Quốc và yêu cầu các công ty lữ hành trong nước dừng tổ chức các chuyến du lịch tới Hàn Quốc. 
Hàn Quốc đang phải ứng phó với tình trạng sụt giảm số du khách Trung Quốc. Ảnh: Yonhap
Na Uy đã rút ra bài học sâu sắc từ vấn đề này. Sau khi Ủy ban Nobel có trụ sở tại Oslo trao Giải thưởng Nobel Hòa bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) - nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã từng bị giam giữ, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu cá hồi của Na Uy. Quan hệ giữa hai nước chỉ trở lại bình thường sau khi Oslo cam kết tôn trọng chính sách một Trung Quốc và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. 
Tượng tự như Na Uy, Trung Quốc đã nhiều lần áp đặt các biện pháp cứng rắn đối với Mông Cổ, nhất là cấm hoạt động vận chuyển than qua khu vực biên giới để trả đũa việc Mông Cổ cho phép lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) - người hiện đang sống lưu vong và bị Trung Quốc coi là phần tử ly khai tới thăm đất nước này vào tháng 11/2016. Động thái này đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành khai thác mỏ của Mông Cổ.
Đối với Đài Loan, ngành du lịch của vùng lãnh thổ này đã giảm mạnh khi quan hệ hai bờ eo biển trở nên xấu hơn. Hiệp hội khách sạn Đài Loan cho biết số lượng du khách Trung Quốc tới Đài Loan trong những tháng gần đây đã giảm 50%, đồng thời cảnh báo “tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn”. 
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể từ bỏ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước tuân thủ yêu cầu của họ. Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm vận đối với 27 công ty xuất khẩu hoa quả của Philippines, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “xa rời” Mỹ nhân chuyến thăm của ông tới Trung Quốc vào tháng 10/2016. Trước đó, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm vận này nhằm trừng phạt Manila vì quan điểm của nước này trong vấn đề Biển Đông gây bất lợi cho Trung Quốc.
Hàn Quốc cũng mong muốn nhận được kết quả tương tự như Phillipines. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Moon Jae-In đã cử đặc phái viên Lee Hae-Chan tới Trung Quốc trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh.
Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư trong lĩnh vực khoa học chính trị thuộc Đại học Hong Kong Baptist cho biết “Đó là kiểu chính sách cây gậy và củ cà rốt. Trung Quốc đang sử dụng chính sách này để phát đi tín hiệu rằng bây giờ họ đang ở thế thượng phong." 
Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng quyết đoán hơn khi nước này tìm cách lấp đi khoảng trống do chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra. 
Tuy nhiên, đối với trường hợp Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, Bắc Kinh lại cân nhắc cụ thể lĩnh vực nào cần áp đặt lệnh trừng phạt để tránh hậu quả xấu tác động trở lại đối với các công ty Trung Quốc.