Tăng trưởng ngoạn mục 
Tương lai ngành gỗ Việt được đánh giá sẽ tươi sáng bởi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đều theo các năm, giá trị gia tăng cũng không ngừng đi lên. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn về nguồn cung gỗ nguyên liệu và mở rộng thị trường.
Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới, với kim ngạch đạt 7,3 tỷ USD năm 2016. Dự đoán, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỉ USD trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng thay đổi sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Một trong các hướng đi đó là sản xuất đồ gỗ với lượng đặt hàng đều đặn và giá trị sản phẩm cao đang được các doanh nghiệp ưu tiên. 
Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường tiềm năng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu nhiều sự kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc gỗ, nguyên phụ liệu… Nếu không có các chứng chỉ, hay sự kiểm tra, công nhận của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp Việt khó lòng có thể tiếp cận với các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu. 
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt khoảng 467,7 tỉ USD/năm. 
Điểm mấu chốt vẫn là sản phẩm có giá trị cao, hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa gây dựng được uy tín đối với thị trường này, ông Hạnh cho biết. 
Thị trường diễn biến khó lường 
Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa của Chính phủ Mỹ và kế hoạch của chính phủ nhằm cân bằng thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác, bao gồm cả với Trung Quốc, có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. 
Các biện pháp siết chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc có thể làm cho việc xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn. Cộng với giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ, điều này có thể khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Điều này có thể giúp mở rộng sự phát triển của ngành chế biến gỗ trong nước, và tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp mới của Trung Quốc.
Kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gỗ của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có thể tạo ra những cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)
Các biện pháp kiểm soát trọng tâm vào các sản phẩm từ Trung Quốc có thể tạo ra các khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc, làm hạn chế nguồn cung các sản phẩm gỗ từ nguồn này. Các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội bù đắp lượng cung thiếu hụt.
Tuy nhiên, VIFORES cũng cho rằng, việc tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm gỗ của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu một khối lượng sản phẩm gỗ rất lớn vào thị trường Mỹ, với giá trị kim ngạch lên tới trên 2,5 tỉ USD mỗi năm. 
Ngoài ra, lệnh cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2017 đang và sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh nguồn cung gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể là một trong những tác động của lệnh cấm này. 
Báo cáo của VIFORES cho thấy, tình trạng cạnh tranh trong thu mua gỗ cao su giữa các doanh nghiệp Việt Nam và giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tư thương Trung Quốc đang diễn ra gay gắt, điều này dẫn đến giá gỗ nguyên liệu cao su tăng khoảng 40% từ đầu 2017 đến nay.
 Bài toán khó về nguồn cung 
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, cho biết sự quan tâm của thị trường đối với sản phẩm làm từ gỗ cao su ngày càng tăng kéo theo nhu cầu thu mua loại gỗ này trong những năm gần đây là rất lớn. Trong khi đó, Trung Quốc đã đóng cửa rừng trên toàn quốc kể từ đầu năm 2017 khiến nước này thiếu hụt khoảng 50 triệu mét khối gỗ mỗi năm và phải bù bằng lượng gỗ nhập khẩu. Trước kia, Malaysia cung cấp một lượng lớn gỗ cao su cho thị trường Trung Quốc nhưng cũng từ đầu năm 2017, Malaysia cấm xuất khẩu gỗ này.
Ngành gỗ lo "đói" nguồn cung (Ảnh minh họa: KT)
Do đó, Việt Nam là một trong những thị trường mà thương nhân Trung Quốc đổ sang tìm mua nguyên liệu khiến giá gỗ cao su tăng mạnh trong thời gian qua. 
Không chỉ gỗ cao su, về dài hạn, nguồn gỗ nguyên liệu nói chung sẽ khan hiếm. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2016, Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, tất cả các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp. 
Việc này phải được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đã cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu, thương nhân nước họ sẽ tràn ra thế giới thu mua nguyên liệu, bao gồm thu mua ở Việt Nam. Lào và Campuchia - các nước cung cấp gỗ chính cho Việt Nam, cũng đã có chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng, ông Quyền cho biết. 
“Mở rộng và phát triển của ngành gỗ hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó đặc biệt phải kể đến cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện cả về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ trong nước”, ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh. 
Trước áp lực này, các chuyên gia tại Hội thảo mới đây tại Hà Nội về những diễn biến mới trên thị trường gỗ cho rằng, cần giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài cho mỗi doanh nghiệp và cả ngành gỗ của Việt Nam trong tương lai. Cùng với đó, cần loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu ‘sạch’ là nhu cầu cấp bách.
Nguồn: Trần Ngọc/Vov