Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN nhận định cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) rất nhiều tiềm năng để phát triển. Đây là khu vực có dân số vàng, có thị trường lớn thứ 7 trên thế giới, thu hút FDI lớn thứ hai thế giới. Tuy thu nhập của người dân cao nhưng là thị trường rộng lớn và có mức tăng trưởng nhanh, ông Michael nhận định.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, Đông Nam Á là khu vực có tăng trưởng internet nhanh nhất thế giới và là khu vực đứng thứ 3 trên thế giới về số người đang sử dụng điện thoại di động, khu vực thứ 4 trên thế giới đang sử dụng internet. Hiện tại Đông Nam Á có 4 triệu người sử dụng internet mới mỗi tháng, ước tính đến năm 2020 là 480 triệu người (hiện tại con số này là 260 triệu người). Bên cạnh đó, ông cho biết, khảo sát chỉ ra hiện có khoảng 700 triệu thiết bị di động đang nối mạng tại Đông Nam Á. Vấn đề quan trọng không chỉ ở số lượng người dùng internet đang tăng lên mà còn bởi đa số người dùng là giới trẻ, với tỷ lệ 70% người sử dụng dưới 40 tuổi và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều.
Ông Michale cũng cho biết, hiện ở khu vực này người sử dụng internet mới chỉ sử dụng 30 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến, các chuyên gia dự báo con số này có thể tăng lên gấp 6,5 lần trong năm 2020, theo đó ước đạt 200 tỷ USD để dành mua sắm thiết bị điện tử, quần áo đồ dùng gia dụng và du lịch.
Vị Đại sứ này cũng nhấn mạnh tất cả các nước trong khu vực đều hưởng lợi nhưng hưởng lợi nhiều nhất là Indonersia với quy mô thị trường khoảng 82 tỷ USD tương đương 41% thị phần và Thái Lan chiếm 19% thị phần, chủ yếu tập trung ở thị trường du lịch.
Ở khu vực Đông Nam Á, khi nói về thương mại điện tử, bán lẻ các chuyên gia kinh tế đều nhận định mới đang ở giai đoạn bắt đầu và còn thua kém so với một số khu vực khác. Google mới đưa ra báo cáo thị trường bán lẻ thương mại điện tử cho thấy lĩnh vực này đã tạo ra doanh thu hàng chục tỷ đô la trong 6-7 năm qua và doanh thu tăng từ 30 tỷ lên 300 tỷ đô la trong 6-7 năm nữa.
“Chúng tôi có cơ hội phỏng vấn Air Asia làm rất tốt áp dụng công nghệ số thông qua phục vụ khách hàng của mình có 90% vé của hãng được đặt trên mạng, ngạc nhiên khi họ nghĩ rằng mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi và họ cho rằng sẽ còn làm được nhiều điều hơn nữa để cải thiện thông qua các hoạt động có lợi cho khách hàng thông qua số hóa, nếu triển khai tốt đem lại nhiều giá trị cho người tiêu dùng, quan trọng bởi tạo ra sự ủng hộ của cộng đồng khách hàng ASEAN”, ông Jeff Pirie, Quản lý khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ở Đông Nam Á và Singapore cho hay.
Ông nhấn mạnh số hóa là động lực phát triển kinh tế trong AEC và đây là con đường hai chiều, trong lộ trình phát triển AEC chắc chắn cần công nghệ số để thay đổi, bứt phá lên. Theo ông, kinh tế số sẽ phát triển mạnh ở khu vực có hội nhập cao. Và kinh tế sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ nội địa.
“Chúng tôi không nói rằng việc kết hợp thúc đẩy kinh tế số sẽ tạo ra một thiên đường kinh tế ở AEC nhưng chắc chắn nó sẽ đem lại sự thay đổi lớn mà đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kinh tế số giúp các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Jeff nói.
Doanh nghiệp nhỏ tận dụng kinh tế số
Theo kết quả nghiên cứu, tại khu vực Liên minh kinh tế châu Âu các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 70% đóng góp công ăn việc làm và đóng góp 80% vào GDP trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực AEC mới chỉ đóng góp 30% vào GDP và có cùng số đóng góp 70% việc làm. Điều này sẽ được cải thiện khi AEC tận dụng, đẩy mạnh kinh tế số, các chuyên gia nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ cụ thể đang diễn ra tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay qua các hội thảo tổ chức với Google tại Hà Nội và TP.HCM năm qua, VCCI nhận thấy đa phần những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt những doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam đều rất quan tâm đến ứng dụng internet và tận dụng kinh tế số để đẩy mạnh bán hàng vì họ không đủ tiềm lực để có bộ máy marketing riêng hay làm các chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Câu chuyện niêu cá làng Vũ Đại (Hà Nam) phát triển mạnh mẽ như ngày này nhờ quảng cáo trên internet và mạng xã hội là một ví dụ sinh động được ông Tuấn đưa ra minh chứng, sau quảng cáo trên internet sản phẩm này đã có tăng trưởng nóng và nổi tiếng cả nước, đồng thời đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng nền kinh tế Việt Nam thu nhận được nhiều từ lợi ích của nền kinh tế số, tuy nhiên cần phải xây dựng lòng tin cho người sử dụng bằng các chính sách hỗ trợ pháp lý giúp giao dịch thanh toán trên internet an toàn hơn, chắc chắn và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó cần quan tâm đến vấn đề an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trong lưu chuyển dữ liệu, tối ưu hóa các mô hình kinh doanh với điện toán đám mây. Cùng sự phát triển của các hệ thống thanh toán điện tử, doanh nghiệp sẽ có những hoạt động xuyên biên giới mở rộng hoạt động thương mại ra bên ngoài nước.
“Sau 20 năm, Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về tốc độ thay đổi phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ trên đa dạng, thị trường rộng mở. Công nghệ số như đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong các ngành công nghệ khác nhau. Quản lý linh hoạt, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế số sẽ giúp Việt Nam có lợi thế mạnh mẽ trong hội nhập”, Đại sứ Michale nhận định.

Nguồn: Hải Minh/Ndh.vn