Do vậy, Lin đang cố gắng tự động hóa sản xuất càng nhanh càng tốt, đồng thời lên kế hoạch chuyển cơ sở đến thị trường lớn nhất của công ty này là Mỹ.

Phó giám đốc của Dongguan Winwin Industrial, một công ty Đài Loan, cho biết ông cũng đang tìm một địa điểm ở Mỹ để lắp đặt các thiết bị máy móc hiện đại nhất chuyên sản xuất giày thể thao và giày dép chất lượng cao. Rất có thể ông sẽ chọn những nơi gần với các khách hàng chính của mình: Skechers ở California, Crocs ở Colorado hay Nike ở Portland, Oregon.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc còn tranh cử đã tuyên bố, Trung Quốc "cướp" việc làm của Mỹ, và đe dọa sẽ mang việc làm trở lại Mỹ bằng cách đánh thuế 45% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Mặc dù vậy, xu hướng chuyển cơ sở sản xuất đến Mỹ đã khá rõ ràng từ trước khi ông Trump hô hào chủ nghĩa bảo hộ. Số việc làm tại các nhà máy Mỹ đang tăng lên nhờ những chính sách khuyến khích các công ty mang hoạt động sản xuất trở lại Mỹ, theo tổ chức phi lợi nhuận Reshoring Initiative.
Đặc biệt, hoạt động đầu tư tạo việc làm đến từ Trung Quốc đang bùng nổ. Năm ngoái, vốn đầu tư đã tăng gấp ba lần lên 45,6 tỷ USD so với năm trước đó, theo Rhodium Group.
Các trang mạng xã hội Trung Quốc từng khá xôn xao hồi năm ngoái khi nhà tài phiệt kính ô tô Cao Dewang tuyên bố ông sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Ohio. Một số nhà bình luận lên án ông đang "chạy trốn". Song Dewang nhấn mạnh, ông có thể kiếm nhiều tiền hơn từ thị trường Mỹ khi sản xuất tại Ohio thay vì ở Trung Quốc.
Mặc dù mức lương của Mỹ vẫn đang cao hơn Trung Quốc, khoảng cách này đang dần được thu hẹp nhanh chóng. Andy Gu, phó giám đốc khối kinh doanh quốc tế của Midea, hãng sản xuất thiết bị gia dụng lớn ở Trung Quốc, cho biết một kỹ sư lành nghề bây giờ yêu cầu mức lương 50.000 USD/năm. Còn người lao động thông thường muốn được trả 600 USD/tháng, bao ăn và chỗ ở.
Hơn thế nữa, giá đất công nghiệp ở Mỹ thường rẻ hơn các thành phố Trung Quốc. Cách mạng dầu đá phiến cũng đã làm giảm đáng kể chi phí năng lượng của Mỹ.
Nhưng mấu chốt thực sự của vấn đề này nằm ở công nghệ, khi mà các kỹ thuật tự động hóa đang dần làm chủ cuộc chơi.
Các nhà sản xuất giày và hàng may mặc là những người đầu tiên chuyển ra khỏi Mỹ khi Trung Quốc gia nhập WTO, sau đó các nhà sản xuất đồ nội thất và sản phẩm điện tử cũng nối gót theo. Giờ đây, một số công ty dạng này đang quay lại nước Mỹ.
Dongguan Winwin là một minh chứng cho xu hướng này. Vài năm trước, công ty này chuyển một phần sản xuất đến Indonesia, góp phần vào cuộc "di cư" tập thể của các nhà sản xuất giày rời khỏi Trung Quốc đến Đông Nam Á, nơi chi phí nhân công vẫn còn khá rẻ.
Về phần ông Lin, ông đã phát triển một quy trình công nghệ cao nhằm sản xuất ra một đôi giày chỉ trong vòng vài phút. Một máy khâu chỉ cần hai người vận hành đã thay thế được 50 công nhân lắp ráp. Ông Lin đã phát triển được 60 thiết bị như vậy. "Mục tiêu của tôi là nhằm loại bớt một nửa số công nhân", ông nói.
Một khi kế hoạch tự động hóa này hoàn thiện, lợi ích khi mở nhà máy tại Mỹ sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa. Thời gian vận chuyển hai tháng từ Trung Quốc sẽ được rút ngắn đi rất nhiều. Và theo ông Lin, các khách hàng của ông chỉ mất ba tháng chứ không phải một năm như bây giờ để một mẫu giày mới lên kệ.
Dĩ nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa các ngành. Với tính chất phức tạp của ngành điện tử, vốn cần sự khéo léo từ bàn tay công nhân mà robot chưa có được, Apple sẽ gặp khó hơn nếu muốn chuyển hoạt động sản xuất iPhone trở về Mỹ.
Còn theo ông Gu, Midea không có kế hoạch chuyển nơi sản xuất. Ông cho rằng không thể bỏ qua thị trường rộng lớn tại Trung Quốc. Với nhiều sản phẩm tiêu dùng như iPhone, Trung Quốc là thị trường không thể thiếu. Trong vòng vài năm tới, Trung Quốc sẽ có 300 triệu người tiêu dùng thuộc giới trung lưu, tương đương với toàn bộ dân số Mỹ.
Nguồn: An Phong/nhipcaudautu.vn