Nếu như nền kinh tế thứ 2 thế giới đang bị thiệt hại bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ là điều đang được thế giới chứng kiến thì những biến động tự trong lòng kinh tế nước Mỹ khó nhận diện hơn, nhưng không phải là không có.
Ứ đọng vì Trung Quốc
Tháng 10, nhiệt độ ở Missouri, một tiểu bang nằm ở trung tâm Mỹ xuống đến -3oC. Nhưng cái lạnh bên ngoài không bằng cái lạnh bên trong những xưởng chế biến gỗ khổng lồ đang hoạt động tại đây. Bởi vì, không chỉ khâu sản xuất, mảng kinh doanh của những doanh nghiệp này đang phải đối diện với thách thức mới: nguồn tiêu thụ lớn nhất đã và đang tiếp tục trả hàng, từ chối nhập khẩu.
Đáp trả những chính sách áp thuế từ Washington, Bắc Kinh cũng áp mức tăng cho lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ khiến doanh nghiệp trong nước chùn tay. “Mức thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu đã tăng nhẹ nhưng quan trọng là không biết còn tăng bao nhiêu trong thời gian tới nên thị trường có những xáo động đáng kể”, Bucky Pescaglia, Chủ tịch Missouri - Pacific Lumber, chia sẻ.
Theo người đứng đầu thương hiệu đã hoạt động qua 3 thế hệ, hơn 2 tháng qua, các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu gỗ của Mỹ nói chung và Missouri nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, lớn nhất là việc phải tìm thị trường mới. Trong khuôn viên hơn 50.000m2, cũng như các doanh nghiệp trồng rừng, khai thác gỗ khác trong vùng, kho chứa của Missouri - Pacific Lumber đầy ắp gỗ đã qua giai đoạn sơ chế, phân loại, đóng kiện, chỉ chờ ngày xuất xưởng. Óc chó, sồi, thông... là những nguyên liệu thế mạnh của vùng này.
Tuy nhiên, trừ óc chó, loại gỗ được thị trường thế giới đón nhận nhiệt tình, thường phải đặt trước mới có hàng cung cấp thì những chủng loại nguyên liệu khác vẫn đợi khách. Tính đến nay, Mỹ hiện có 750 triệu ha rừng, khả năng cung cấp gỗ nguyên liệu cho thị trường thế giới là không hề nhỏ.
Brain Brookshire, Giám đốc Điều hành Missouri Forest Products Association, chia sẻ, câu chuyện lớn nhất và trước mắt mà các doanh nghiệp gỗ Missouri phải đối mặt là việc ứ đọng sồi đỏ. Đây là loại gỗ có đặc tính rất tốt, công dụng chính là làm đồ nội thất, sàn, cửa và các ứng dụng nhất định trong xây dựng. Mặc dù được trồng ở nhiều nơi, nhưng cây sồi đỏ tự nhiên chỉ mọc nhiều ở Bắc và Trung Mỹ.
Theo phân tích kiểm kê rừng năm 2017 ở Mỹ cho thấy trữ lượng gỗ sồi đỏ tăng 18,7% trong tổng sản lượng gỗ trồng của Mỹ. Mỗi năm sồi đỏ tự nhiên tăng hơn 55,2 triệu m3 và có 33,9 triệu m3 được khai thác ở Mỹ. Nhiều năm qua, hơn 80% trữ lượng sồi đỏ khai thác ở Mỹ được tiêu thụ ở Trung Quốc. Phần còn lại, phục vụ thị trường nội địa cùng các thị trường khác. Tỉ trọng quá chênh lệch trên khiến doanh nghiệp cung cấp sồi đỏ ở Mỹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi đang gấp rút công tác xúc tiến để doanh nghiệp gỗ Mỹ làm việc với các thị trường tiêu thụ mới”, ông Brain Brookshire nói.
Điểm đến Việt Nam
Đại học Missouri là nơi nhận đơn đặt hàng, nghiên cứu các thị trường mới cho tiêu thụ sồi đỏ Mỹ nói riêng và các nguyên liệu gỗ khác nói chung. “Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam, quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm gỗ, là điểm đến thích hợp cho ngành lâm nghiệp của Mỹ”, ông Brain Brookshire chia sẻ.
Không chỉ riêng Missouri, doanh nghiệp gỗ vùng Pennsylvania, một tiểu bang miền Đông nước Mỹ, cũng chọn Việt Nam trong cuộc di dời thị trường của mình. Không còn ngồi chờ khách đến, những ngày cuối tháng 10, đại diện của Walker Lumber Company, thương hiệu chuyên cung cấp gỗ xẻ sấy cứng đạt chứng chỉ bảo vệ rừng theo tiêu chuẩn FSC đặc biệt là gỗ sồi đỏ, sồi trắng, anh đào và gỗ phong, đã đích thân đến Việt Nam tìm đối tác.
Sở hữu xưởng cưa và lò sấy nằm ở trung tâm bang Pennsylvania cùng điểm vận chuyển kết nối các tuyến đường đến những cánh rừng Appalachian, nơi có nhiều loại gỗ tốt nhất Bắc Mỹ, Walker Lumber phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc cho các nhà phân phối lớn tại Thượng Hải, Thanh Đảo và Đông Quan. “Walker Lumber xác định sẽ mở rộng thị trường tại Việt Nam. Chúng tôi đang đặt những viên gạch đầu tiên”, ông Nicholas Ince, Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu của Walker Lumber, chia sẻ.

 Năm 2017, Việt Nam nhập 265 triệu USD gỗ nguyên liệu của Mỹ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Mỹ hiện chiếm trên 50% tổng lượng gỗ sồi cung cấp cho Việt Nam. Với việc dịch chuyển về mặt điểm đến của các doanh nghiệp gỗ Mỹ, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Bucky Pescaglia, thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ ghi nhận những tín hiệu chưa tốt từ cuộc xáo trộn bất ngờ mà doanh nghiệp gỗ Mỹ đang phải gánh.

Ví dụ đơn giản nhất là những đợt giảm giá bất thường từ phía nhà cung cấp để có thể giải quyết hàng tồn. “Doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ nhận được chào giá rất thấp trong thời gian này nhưng nếu không chú ý lựa chọn đối tác tin cậy, chú trọng chất lượng mà chỉ chăm chăm vào giá rẻ, sẽ khó có những giao thương lâu bền khi đợt khủng hoảng mà tôi cho là khá ngắn này kết thúc”, ông Bucky Pescaglia tư vấn.
Nguồn: Phương Quyên/Nhịp cầu đầu tư