Nguyên liệu biến động

2016 được xem là năm có nhiều bất lợi cho ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Giá nguyên liệu biến động trong một biên độ lớn, mang tính thất thường đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nuôi tiếp tục thua lỗ nặng. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, những người tham gia ngành cá tra thua lỗ. Trong bối cảnh đó, nhiều người luôn nuôi hy vọng về một mô hình mới hình thành, sẽ giải quyết được những “vướng mắc” của ngành như mô hình chuỗi liên kết dọc. Song, mô hình này đến nay xem ra chưa phải là “cứu cánh” của ngành cá tra và mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” vì đầu ra vẫn do thị trường thế giới quyết định, phụ thuộc vào quy luật cung-cầu. Trong khi tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm cá tra ra thế giới có gần 200 doanh nghiệp, vì vậy gần 20 năm qua, tình trạng bán phá giá lẫn nhau vẫn chưa có hồi kết thúc. “Đầu năm, giá cá ở mức 21.000 đồng/kg. Đến tháng 8-2016, giá cá tra tại ĐBSCL rớt xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg. Người nuôi lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Bước sang tháng 10-2016, giá cá tăng lên 22.500 đồng/kg, ngư dân không còn cá để bán. Sự biến động của giá cá rất bất thường làm cho hàng loạt người nuôi lẫn doanh nghiệp thua lỗ, chỉ có những thương lái, họ “mua đầu chợ, bán cuối chợ” thì có lãi khủng…” - ông Trần Văn Hồ, ngư dân xã Long Giang (Chợ Mới), bức xúc.

Giá nguyên liệu biến động thường xuyên trong một biên độ lớn, nghĩa là có tăng, có giảm. Song, giá thức ăn, thuốc thủy sản thì biến động theo chiều hướng tăng chứ không giảm. Trong năm, ngành cá tra lại phải chứng kiến sự kiện có “một không hai”, đó là cán bộ Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt là 3K), trực thuộc Tổng cục Thủy sản có hành vi tiêu cực, cấp khống 800 giấy lưu hành thủy sản cho 72 doanh nghiệp chuyên bán thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý môi trường khi các sản phẩm này chưa được khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định theo quy định pháp luật. Việc này đã gây thiệt hại lớn cho cả ngành.

Cạnh tranh

“Hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác trong cùng một loại sản phẩm là chuyện bình thường. Riêng ở lĩnh vực xuất khẩu cá tra, lại xảy ra tình trạng các doanh nghiệp chế biến lại bán phá giá lẫn nhau tại thị trường quốc tế. Việc này đã xảy ra gần 20 năm qua, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Hậu quả, doanh nghiệp trong nước tự giết lẫn nhau, hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài, bỏ lại nhiều khoản nợ khổng lồ cho ngân hàng, ngư dân gánh chịu. Tôi nghĩ đã đến lúc, các cơ quan pháp luật cần thể hiện sự nghiêm minh để lập lại trật tự xã hội thông qua những món nợ mà chủ doanh nghiệp gây ra…”- ông Nguyễn Văn Hải, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), bức xúc.

Ngoài sự cạnh tranh trong chính nội bộ ngành, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam còn phải gánh chịu sự cạnh tranh từ các quốc gia nhập khẩu, đó là những rào cản phi thuế quan như thuế chống bán phá giá tại Mỹ; chương trình giám sát dư lượng kháng sinh, chất cấm tại Châu Âu cùng nhiều thị trường khác. 10 tháng của năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 1,36 tỷ USD, tăng 5,82% so cùng kỳ 2015. Trong đó, các doanh nghiệp An Giang xuất 123,60 ngàn tấn, tương đương 220,89 triệu USD, so cùng kỳ tăng 8,76% về lượng nhưng về kim ngạch giảm 13,29%. Giá xuất khẩu bình quân hiện nay khoảng 1.808 USD/tấn. “Người tiêu dùng thế giới bây giờ không chỉ ăn cá tra, mà hiện nay có rất nhiều nguồn cá khác để thay thế như: Cá Alaska Pollock, cá tuyết, cá hồi… Sự cạnh tranh trong cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt. Trung Quốc đang có thế mạnh trong cung cấp cá Alaska Pollock cho thị trường thế giới, vì vậy cá tra cũng phải chịu sự cạnh tranh này…” - ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, chia sẻ.

Đã đến lúc Nhà nước cần thể hiện vai trò của mình trong công tác quản lý ngành hàng. Tái cấu trúc lại ngành cá tra để tất cả những người tham gia không còn chịu cảnh thua lỗ, nợ nần. Cần quản lý chặt chẽ hơn việc cho nhập khẩu các loại hóa chất, chất tăng trọng làm cho sản phẩm kém chất lượng. Loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia xuất khẩu,vì đây là lực lượng làm rối loạn thị trường.

“Muốn ngành cá phát triển mang tính ổn định và bền vững, ngoài phát huy vai trò của hiệp hội, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thì cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành theo hướng quy hoạch lại nhà máy chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu. Người làm nghề cá cần đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX kiểu mới để tránh tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh trong chính nội bộ ngành…” - ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản AFA, kiến nghị.

Nguồn: baoangiang.com.vn