Trao đổi với VietnamPlus, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng mà theo đó, vai trò của doanh nghiệp phải được đề cao và là giải pháp chính để giải quyết nạn hàng, hàng nhái.

Vì lợi nhuận sẵn sàng đầu độc “thượng đế”
- An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, riêng trong lĩnh vực nước giải khát ông đánh giá mức độ vi phạm như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: An toàn thực phẩm đang là vấn đế nhức nhối, bản thân lĩnh vực nước uống đóng chai cũng có nhiều sự cố xảy ra, chính vì vậy mà Hội đã từng tổ chức hội thảo chuyên đề về lĩnh vực này để làm rõ những tồn tại và thách thức.
Có một số vấn đề xảy ra trong thời gian qua, đó là chất lượng, tình trạng làm giả, làm nhái và cả hai trường hợp này đều liên quan trực tiếp đến quyền của người tiêu dùng.
Đầu tiên là liên quan đến quyền được thông tin về hàng thật, hàng nhái, đáng lẽ người tiêu dùng được quyền biết thông tin về hàng hóa một cách chính xác nhưng thực tế thì hàng giả, hàng thật bị lẫn lộn.
Có thể nói, càng những hãng lớn thì bị làm giả nhiều hơn, hay ngay những hãng lớn chất lượng cũng có vấn đề. Phía hội đã nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng.
Đơn cử năm 2015, Hội đã tiếp cận hơn 2.000 vụ và trong 5 năm. gần đây Hội đã giải quyết trên 7.500 vụ, trong số đó thì vấn đề An toàn thực phẩm chiếm khoảng 23%, bao gồm cả nước uống đóng chai và là vấn đề rất lớn.
Chúng ta thấy nước uống đóng chai vào mùa hè nhu cầu sử dụng rất lớn và đối tượng sử dụng không phân biệt từ người già, trẻ và thanh niên đều sử dụng thường xuyên.
Bản thân hàng giả, hàng nhái đã nói lên vấn đề về chất lượng, thực tế cho thấy nhiều sản phẩm dùng hương liệu đóng vào chai mang về vùng nông thôn, thậm chí là cả thành phố quanh trường học, trong khi đối tượng sử dụng chính lại là các cháu nhỏ và không phân biệt được nên đây cũng là rủi ro đối với người tiêu dùng rất cao.
Nếu trước mắt uống các sản phẩm đó mà ngộ độc cấp tính thì có thể phát hiện được nhưng còn những hóa chất và hương liệu thuộc diện ngoài danh mục được phép sử dụng thì khi uống chưa ngộ độc ngay, tuy nhiên các hóa chất đó sẽ tích tụ dần trong cơ thể và một thời gian dài sẽ phát bệnh, như vậy rủi ro khi sử dụng rất cao.
“Nhờn” luật ?
- Vậy nguyên nhân làm phát sinh những vấn đề trên là do đâu thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn đôi lúc cũng có sự cố, minh chứng gần đây là vụ việc nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp lớn nhưng cũng có lô hàng bị nhiễm chì và hàm lượng vượt quá mức công bố trên nhãn hàng hóa và hiện phải tạm đình chỉ.
Ngoài ra, việc một số doanh nghiệp lớn không đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, đây là cơ sở gốc, cơ sở ban đầu để đấu tranh với nạn hàng giả, nhưng do không có bản quyền nên cũng không có căn cứ đấu tranh và cũng là nguyên nhân để hàng giả phát triển.
Chúng ta đều biết, hàng giả không phải đầu tư để làm thương hiệu, chỉ núp bóng thương hiệu có sẵn với thiết bị công nghệ cũng đơn giản... nên lợi nhuận thu về lớn, đây cũng là nguyên nhân sâu xa nhất khiến nạn hàng giả kéo dài, khó triệt phá.

Trong khi đó, đối với người tiêu dùng, do thấy rẻ thì mua và không phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả do vậy dễ trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Quốc hội đã ban hành nhiều luật để xử lý nạn hàng giả, hàng nhái, theo ông ​cần phải thêm chế tài gì để làm chuyển biến lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Chế tài xử phạt so với trước đây đã được tăng lên rất nhiều, với nghị định thay thế Nghị định 108/CP về An toàn thực phẩm đã nâng mức xử phạt đối với cá nhân gấp 3,5 lần giá trị lô hàng vi phạm, còn tập thể thì phạt gấp 7 lần.
Thậm chí án hình sự cũng tăng lên, đơn cử mức xử phạt của luật hình sự cũ tối đa 15 năm nhưng nay đã nâng lên 20 năm đối với đối tượng vi phạm.
Tuy vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại, theo tôi một trong những nguyên nhân chính phải là doanh nghiệp, bản thân họ vẫn chưa đầu tư đúng mức để bảo vệ thương hiệu của mình.
Nhiều cơ quan chức năng phàn nàn việc khi vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu nhưng doanh nghiệp lại thiếu hợp tác, đáng lẽ khi họ hỗ trợ mình để chống hàng giả thì thiếu hợp tác, hoặc nhiều doanh nghiệp lại ngại thừa nhận hàng hóa của mình bị làm giả... vì sợ người tiêu dùng quay lưng.
Chúng ta thấy rằng, hiện nay hàng hóa của họ không phải thứ độc quyền, nếu không dùng sản phẩm của hãng này thì người tiêu dùng có thể dùng của hãng khác... do vậy có tâm lý doanh nghiệp ngại thông tin hàng mình bị làm nhái, làm giả.
Thêm vào đó, việc kiểm tra của các cơ quan chức năng dù đã làm nhưng so với thực tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng được và báo chí cũng đã góp phần phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái giúp nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn này.
Nói “không” với thực phẩm bẩn
- Về phía hội đã có những giải pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Qua các khiếu nại của người tiêu dùng, hội cũng đã thông tin cung cấp qua báo chí số lượng các vụ việc vi phạm, mức độ các doanh nghiệp vi phạm, thậm chí là chuyển sang cơ quan chức năng để vào cuộc, góp phần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, cũng như cảnh báo cho người tiêu dùng để họ hiểu đúng và chính xác các sản phẩm mình đang dùng.
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thực thi trong 5 năm, vậy theo ông luật này đã đáp ứng với yêu cầu thực tiễn chưa?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đến ngày 1/7 này, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tròn 5 năm luật có hiệu lực.
Qua những lần hội thảo, các ý kiến đều có đánh giá chung theo đó, từ khi có luật thì công tác bảo vệ người tiêu dùng đã tốt hơn, ít nhất là có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có những luật khác như Luật chất lượng hàng hóa, luật An toàn thực phẩm, luật quảng cáo... trong đó đều nói về quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng.
Nhận thức của các đối tượng liên quan như các cơ quan Nhà nước, cơ sở kinh doanh... đã nâng lên rất nhiều, nhưng chưa phải tất cả, rất đáng tiếc là nhiều người tiêu dùng và kể cả một số cán bộ liên quan nhất là ở cơ sở cũng chưa quan tâm nhiều, chỉ khi phát hiện ra vụ việc thì mới tìm hiểu, vậy thì gõ cửa đâu để đòi hỏi quyền lợi.
Việc thực thi, kiểm tra dù đã có cố gắng nhiều, số vụ bắt giữ tăng lên và xử phạt cũng nhiều nhưng thực tế còn chưa đáp ứng được, tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng giả, kém chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực An toàn thực phẩm vẫn còn nhức nhối.
Có thể thấy, luật mới đã có chuyển động tốt trong công tác tuyên truyền, trong thực thi và nâng cao nhận thức nhưng rõ ràng nếu nói đi vào cuộc sống chưa thì có thể thấy vẫn còn ở mức độ và cần tiếp tục được tuyên truyền và cần có tổng kết, đánh giá sau 5 năm, nếu có bất cập thì cần điều chỉnh.

- Xin cảm ơn ông./.

Bài 3: Chất lượng nước giải khát: Doanh nghiệp tự... "giẫm" chân mình