Giám đốc chiến lược của BNP Paribas Fortis, Philippe Gijsels, nhớ lại tại thời điểm cuối năm 2015, khi hầu hết các nhà dự báo đều kỳ vọng các cổ phiếu châu Âu sẽ trở thành tâm điểm kinh tế trong năm 2016. Vậy nhưng năm 2016 đã sắp kết thúc và trên thực tế đây lại được ghi nhận là năm mà thị trường châu Âu diễn ra hiện tượng nhiều nhà đầu tư rút vốn và giá trị cổ phiếu giảm đáng kể. Cùng với đó, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào thị trường Mỹ hoặc quay lại các thị trường mới nổi. Tuy vậy, ông cũng đưa ra nhận xét rằng nền tảng hiện nay của các doanh nghiệp châu Âu vẫn rất tốt với kết quả kinh doanh khả quan, tỷ lệ nợ thấp và xu hướng lợi nhuận ổn định.
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng CBC, ông Bernard Keppenne, khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ cổ phiếu châu Âu nhưng không quá nhiều. Ông Keppenne cho rằng, châu Âu sẽ chắc chắn tận dụng thành công "hiệu ứng Trump" và kỳ vọng kinh tế thế giới năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng cao và tác động thuận lợi tới các doanh nghiệp châu Âu. Theo ông, việc tăng lợi nhuận từ cổ phiếu và việc đồng euro yếu so với đồng USD sẽ là tác nhân thúc đẩy nền kinh tế của "lục địa già" trong năm tới. Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều mối đe dọa tiềm ẩn với kinh tế châu Âu như các cuộc bầu cử sắp tới tại một số nước hay sự kết thúc chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo Giám đốc đầu tư chiến lược của ngân hàng Degroof Petercam, Jérôme van der Bruggen, đương nhiên vẫn còn đó nỗi nghi ngờ của giới đầu tư đối với đồng euro. Các cuộc bầu cử sắp tới có thể gây bất ổn kinh tế ở châu Âu, nhất là tại các nước có mức nợ công cao như Italy và Tây Ban Nha. Mặc dù năm qua là thời gian khá khó khăn của các cổ phiếu châu Âu, song ngân hàng Degroof Petercam vẫn khuyến nghị nên đầu tư vào loại tài sản này vì lợi nhuận kỳ vọng là rất cao.
Về thị trường Mỹ, Giám đốc kinh tế của ngân hàng BNP Paribas Fortis, Koen De Leus phỏng đoán ông Trump có thể sẽ là một "Reagan mới" với lập trường cứng rắn trong quan hệ đối ngoại, còn về đối nội thì ông Trump có vẻ ủng hộ tầng lớp trung lưu và giàu có hơn là tầng lớp bình dân. Ông Koen De Leus nhận định tình hình kinh tế Mỹ hiện nay hoàn toàn khác thực trạng của những năm 1980 do lãi suất và lạm phát đều đang ở mức rất thấp. Việc ông Trump áp dụng chính sách bảo hộ kinh tế tại Mỹ giống chính sách thời ông Reagan có thể kìm hãm đà tăng trưởng trên toàn thế giới.
Cổ phiếu các doanh nghiệp Mỹ, dù giá đã khá cao, vẫn luôn có vị trí khá quan trọng trong kế hoạch của các nhà đầu tư. Với môi trường đầu hiện nay, cổ phiếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ ít bị ảnh hưởng do doanh thu của họ không phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế. Việc đồng USD tăng giá cũng ít ảnh hưởng tới các cổ phiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ, hơn nữa họ còn được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế mà tổng thống đắc cử Trump mới thông báo.
Còn về Trung Quốc, điều hấp dẫn nhất là hiện nay tại nước này đã xuất hiện nhiều công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ như Alibaba. Đây được xem là cơ hội để đầu tư vào Trung Quốc năm 2017, nhưng vấn đề mấu chốt phải tìm được điểm vào tốt. Mặc dù việc ông Trump lên nắm quyền có vẻ không phải là điều mà các thị trường mới nổi trông đợi, nhưng lo ngại của một số nhà kinh tế về sự rút chạy của các nhà đầu tư khỏi các thị trường này đã không xảy ra. Tuy nhiên, lợi nhuận kỳ vọng cho năm tới sẽ không còn ở mức cao như năm 2016.

Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư đang có xu hướng lựa chọn vàng làm kênh đầu tư an toàn. Từ tháng Tám vừa qua, thị trường vàng đã sôi động hơn và giá đã tăng trở lại. Nếu trong thời gian tới lãi suất trái phiếu Mỹ và giá đồng USD tăng như dự đoán của nhiều nhà kinh tế, các nhà đầu tư phải tính đến sự sụt giảm giá vàng. Tuy vậy, vàng luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn, do đó luôn có chỗ đứng trong giỏ đầu tư của giới kinh doanh.

Nguồn: Kim Chung/Vietnamplus.vn