Trong đó, nhu cầu nhập khẩu phần lớn được hỗ trợ bởi sự gia tăng sức mua ở châu Phi và khu vực Trung Đông, nơi có dân số tăng nhanh và chế độ ăn uống thay đổi.
Trung Quốc tiếp tục là quốc gia đi đầu về nhập khẩu gạo, chủ yếu được cung cấp bởi các khu vực lân cận. Tại những quốc gia có hoạt động sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều từ thời tiết như Bangladesh hay Sri Lanka, nhu cầu nhập khẩu gạo cũng tăng đột ngột trong năm nay, khiến cho lượng gạo thương mại tăng cao kỷ lục.
Về xuất khẩu, Ấn Độ luôn là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất kể từ năm 2012, sau khi nước này bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi Basmati. Gạo Basmati là một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017.
Việt Nam cũng chứng kiến doanh thu từ hoạt động xuất khẩu gạo tăng, mà trong đó ngoài thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc còn có cả những thị trường khu vực và châu Phi.
Tổng số gạo xuất khẩu của ba “đại gia” này đóng góp gần 2/3 tổng gạo xuất khẩu trên toàn cầu, và nếu tính thêm cả những quốc gia như Pakistan và Mỹ, thì tổng lượng gạo xuất khẩu chiếm đến gần 80% tổng giá trị thương mại.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự trở lại và nổi lên của một số nhà cung cấp, trong đó Myanmar sẽ ghi dấu năm xuất khẩu gạo lớn nhất kể từ trước Thế chiến thứ hai. Điểm đến của gạo Myanmar là nước láng giềng Trung Quốc, châu Âu và thị trường châu Phi.
Campuchia cũng đang từng bước nâng cao hoạt động xuất khẩu gạo và gần đây đã giành được gói thầu với Bangladesh, qua đó khẳng định khả năng tiếp cận thị trường của mình. Theo thỏa thuận, Bangladesh sẽ mua 200.000 tấn gạo trắng và 50.000 tấn gạo đồ Campuchia trong năm 2017 và mua 1 triệu tấn gạo từ nước này trong vòng 5 năm tới.
Trong khi đó, Trung Quốc - nước nhập khẩu gạo lớn nhất, cũng đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo đáng kể, chủ yếu tới các thị trường châu Phi trong năm nay với những sản phẩm gạo có mức giá thấp hơn. Lượng gạo được chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu hiện ở mức cao nhất kể từ những năm 2000.
Theo nhận định của USDA, tăng trưởng thương mại gạo toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho những nhà xuất khẩu lớn nhất, song sự phát triển của những quốc gia có phần yếu thế hơn lại đang làm thay đổi môi trường cạnh tranh.
Sang đến năm 2018, lượng gạo thương mại tiếp tục được dự đoán tăng 1% lên mức 42,3 triệu tấn, qua đó ghi dấu mức giao thương cao thứ ba trong lịch sử và là năm thứ hai liên tiếp hoạt động này ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Trong đó, Ấn Độ và Thái Lan vẫn tiếp tục là hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất, còn Trung Quốc và Nigeria sẽ là hai thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Cơ quan nghiên cứu kinh tế (ERS) thuộc USDA lưu ý rằng yếu tố chính trong việc mở rộng thương mại gạo trong năm 2018 là sự gia tăng xuất khẩu từ ba trong số sáu nước xuất khẩu hàng đầu là Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Xuất khẩu gạo trong năm 2018 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 400.000 tấn, lên mức 6 triệu tấn, do nhu cầu gia tăng từ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là từ Philippines. Trung Quốc tiếp tục được dự báo là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Pakistan dự kiến sẽ xuất khẩu 4,1 triệu tấn gạo vào năm 2018, tăng 100.000 tấn so với một năm trước đó, nhờ vụ mùa bội thu, USDA cho biết.
Myanmar dự kiến sẽ xuất khẩu 1,7 triệu tấn gạo trong năm 2018, tăng 100.000 tấn so với năm 2017, chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ hơn từ trong khu vực và trong khối Liên minh châu Âu (EU).
Ngược lại, xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 500.000 tấn vào năm 2018 do yếu tố mùa vụ và nhu cầu tiêu thụ trong nước mạnh hơn, trong khi xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ không thay đổi nhiều trong năm 2018.
Xuất khẩu gạo của Mỹ dự kiến sẽ giảm 50.000 tấn do giá cao hơn và nguồn cung hạn hẹp hơn, mặc dù mới đây Trung Quốc và Mỹ đã thống nhất một số điểm trong hợp tác nông nghiệp tại Đối thoại kinh tế toàn diện (CED) giữa hai nước, qua đó cho phép nông dân Mỹ tiếp cận với thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới.
Nguồn cung nội địa hạn hẹp hơn đồng nghĩa với việc nhập khẩu gạo của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong năm 2018.
Theo chuyên gia kinh tế về nông nghiệp của ERS Nathan Childs, sản lượng gạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 20% trong năm 2017, do hệ quả của 3 nguyên nhân chính là triển vọng yếu ớt của sản phẩm gạo hạt dài, lượng mưa lớn và hiện tượng lũ lụt vào mùa Xuân ở vùng Trung Nam nước Mỹ và California, đi cùng với những siêu bão ở vùng Duyên hải vịnh Mexico.