Chuyên gia Fereidun Fesharaki nhà sáng lập tập đoàn tư vấn FGE nhận định "Vấn đề là ở chỗ có quá nhiều dầu thô trên thị trường, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, Libya và Nigeria".
Bên lề Hội nghị Năng lượng Credit Suisse Australia được tổ chức tại Sydney, ông Fereidun Fesharaki cho biết: "Trong khi nhu cầu dầu đang tăng mạnh mẽ trở lại thì rất có thể giá dầu sẽ thả dốc xuống khoảng 30-35 USD/thùng và giữ ở mức đó trong một khoảng thời gian nhất định".
Fesharaki, người từng nghiên cứu thị trường năng lượng châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông kể từ những năm 1980 tin rằng "vạch đỏ" dành cho Ả-rập Saudi là mức 9 triệu thùng/ngày. Nếu nước này thất bại trong việc cắt giảm sản lượng dưới mức đó thì giá có thể sẽ thả dốc mạnh. "Ả-rập Saudi buộc phải cắt giảm thêm 700.000 thùng/ngày, nếu không giá dầu sẽ giảm mạnh. Không dừng lại ở đó, sang năm 2018, quốc gia này còn phải giảm sâu hơn nữa".
Tháng trước, OPEC và một số quốc gia khác đã đồng thuận kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày sang tháng 3/2018 do thỏa thuận cũ thất bại trong việc giảm trữ lượng dầu thừa và giá vẫn giữ ở mức khá thấp. Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định này được thông qua, giá dầu trượt dốc mạnh do các nhà đầu tư đã quá kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm không chỉ được kéo dài thêm 9 tháng mà hạn mức cắt giảm còn được nâng cao hơn 1,8 triệu, Kể từ 25/5 giá dầu giảm khoảng 10%.Trữ lượng dầu thô của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD vẫn cao hơn 251 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm.
Một báo cáo mới đây cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 5 tiếp tục tăng mặc dù hôm 25/5 các nhà lãnh đạo đã đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm thêm 9 tháng nữa.
Sản lượng khai thác các nước thành viên OPEC tăng 336.100 thùng/ngày lên 32,1 triệu thùng/ngày, trong đó dẫn đầu là Libya, Nigeria và Iraq. Libya và Nigeria là hai quốc gia không ký cam kết cắt giảm sản lượng.
Sản lượng dầu thô của Libya tăng hơn 178.000 thùng/ngày lên mức 730.000 thùng/ngày do các phe đối lập của nước này đang tiến tới đàm phán hòa giải. Kèm với đó, trong suốt thời gian xung đột, nguồn cung dầu bị gián đoạn nghiêm trọng nên thời điểm này là lúc sản lượng dầu thô được phục hồi.
Tại Nigeria, sản lượng tăng hơn 174.000 thùng/ngày lên mức 1,68 triệu thùng/ngày do nguồn cung ở nước này đang trên đà phục hồi sau khi các giàn khoan quay trở lại hoạt động. Với đợt tăng sản lượng này, Nigeria tuyên bố là quốc gia khai thác dầu lớn nhất trong số các quốc gia thành viên OPEC khu vực châu Phi, vượt mặt Angola. Sản lượng khai thác của Angola trong tháng 5 giảm 54.000 thùng/ngày - mức giảm mạnh nhất trong số 13 nước thành viên.
Trong tháng 5, sản lượng khai thác của Iraq, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 2 OPEC, cũng tăng 44.000 thùng/ngày lên 4,42 triệu thùng/ngày.
Ông Fesharaki chia sẻ một cái nhìn trái chiều về mối quan hệ giữa giá và nhu cầu dầu thô trong tương lai. Ông tin rằng nếu giá dầu giảm thì nhu cầu dầu cũng giảm theo.
"Việc giá dầu giảm cũng giống như một trận động đất hay thậm chí là cơn sóng thần. Nếu giá dầu giảm nhẹ thì điều này sẽ rất tốt cho sự phát triển kinh tế, đồng thời kích thích nhu cầu dầu tăng theo. Tuy nhiên, vừa qua giá dầu liên tục giảm mạnh đã khiến thị trường chứng khoán giảm theo. Tôi cho rằng tâm lý hoang mang đang bao phủ thị trường rằng nếu giá dầu vẫn tiếp tục giảm sẽ tạo ra cơn khủng hoảng trên toàn cầu".
Các chuyên gia phân tích khác cũng cho biết giá dầu thả dốc sẽ là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế của các nước khai thác, xuất khẩu dầu thô.
Ông Fesharaki tin tưởng cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar sẽ không gây tác động lâu dài đến giá dầu toàn cầu.
Đầu tháng này, rất nhiều quốc gia Ả-rập đã cắt đứt quan hệ với Qatar do họ cho rằng Qatar ủng hộ và tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, Qatar bác bỏ cáo buộc trên.
Tuy nhiên ông Fesharaki "không xem đây là nhân tố ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu thô trừ khi xảy ra đối đầu về quân sự- điều này gần như là không thể."
Nguồn: Đức Quỳnh/Người đồng hành