Vì đâu giá tôm nguyên liệu lao dốc?
Những dấu hiệu đầu tiên “tiên tri” về một đợt giảm giá mạnh của tôm nguyên liệu xuất hiện từ năm 2017, khi nguồn cung bắt đầu vượt quá nhu cầu và hứng thú ăn tôm của người Trung Quốc giảm đi phần nào, ông Gorjan Nikolik, Giám đốc hợp tác trong lĩnh vực động vật và thủy sản tại Rabobank, trả lời Undercurrent News cho biết.
 Theo Báo cáo “Bắt nhịp thị trường động vật giáp xác” (Keeping up with the Crustaceans), giá tôm nguyên liệu lao dốc trong suốt nửa đầu vụ thu hoạch của năm 2018 vì nguồn cung tại Ấn Độ, Ecuador tăng trưởng mạnh, đạt hai con số. Trong khi đó, Indonesia, Việt Nam và các quốc gia sản xuất khác cũng tăng cường sản xuất.
 “Hiện tại, nhiều nông dân đang thu hoạch tôm nhưng đều trong tình trạng bị thua lỗ, hoặc biên lợi nhuận thấp hơn nhiều so với 5 năm qua. Bởi, những yếu tố chính ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, như thức ăn chăn nuôi, năng lượng và lao động, đều không giảm, thậm chí còn tăng lên”, báo cáo cho hay.
Ngành tôm khốn đốn, chuỗi giá trị toàn cầu sẽ bị đảo lộn?
Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự đình công của nông dân, sự thua lỗ của ngành tôm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị với hậu quả rất lớn, ông Nikolik dự đoán. Ông nhắc lại những lời cảnh báo về khả năng nhiều nông dân giảm dự trữ hàng cho vụ tới, hoặc giảm lượng thức ăn chăn nuôi, trì hoãn thu hoạch, hoặc đơn giản là không dự trữ gì hết.
 “Nuôi trồng tôm là một nghề có chu kỳ khá ngắn và nông dân có thể nhanh chóng phản ứng trước những thay đổi về giá cả cũng như tái cân bằng thị trường trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều khi nông dân mỗi khu vực phải đối mặt với tình trạng giá thấp trong vài năm tới”, ông Nikolik cho biết.
Hiện thực mới của ngành tôm
Ấn Độ vừa được chứng kiến một đợt giá tôm nguyên liệu tăng nhanh trở lại vì nguồn cung hạn hẹp. Tuy nhiên, Rabobank không xem đây là khởi đầu cho thời kỳ phục hồi của thị trường tôm.
“Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù giá tôm nguyên liệu có thể phục hồi nhẹ trong ngắn hạn nhưng trong bối cảnh không có dịch bệnh mới nào bùng phát, giá sẽ xuống thấp hơn. Đây là hiện thực mới của thị trường tôm nguyên liệu, ở đó giá cả quyết định xu hướng nguồn cung hơn là những thách thức về mặt sinh học, và động lực tăng trưởng của ngành tôm sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu hơn là nguồn cung,” theo Rabobank.
Theo ông Nikolik, về trung hạn, hiện thực mới này sẽ khiến tổng lợi nhuận của ngành tôm giảm, mà nông dân là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Đây có thể trở thành trở ngại đối với việc phát triển diện tích nuôi trồng mới, nông dân cũng e ngại bước chân vào ngành này. Ngoài ra, những trang trại nuôi tôm hiện tại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Chắc chắn những ai đang có ý định đầu tư để xây dựng trang trại nuôi trồng mới sẽ xem xét lại, đặc biệt là khi chi phí đầu tư cao mà lại không được chính phủ trợ cấp”, ông Nikolik nói.
Ông cũng cho rằng, những dự án xây dựng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn chuyên sâu thậm chí sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc tìm kiếm nhà đầu tư. Những trang trại nuôi tôm công nghiệp lớn đang xây dựng có thể phải hạ kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí trì hoãn kế hoạch mở rộng quy mô. “Điều này đặc biệt đúng với những dự án đang nhằm vào thị trường xuất khẩu toàn cầu. Những doanh nghiệp phụ thuộc vào các thị trường đơn lẻ, như Trung Đông hay Australia, có lẽ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn”.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành